Theo thống kê của báo Sankei, phần lớn người Việt Nam phạm tội trong vài năm gần đây ở Nhật là du học sinh lao động và tu nghiệp sinh bỏ trốn khỏi nghiệp đoàn.
Theo báo chí quốc tế ngày 21/2, du học sinh Nhật Bản thuộc 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Nepal, Myanmar và Sri Lanka sẽ bị áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về nhập cảnh từ giữa tháng 3/2017.
Để lý giải cho chính sách nêu trên, cần nhìn lại khoảng 5 năm gần đây, khi chính phủ Nhật mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài để bù đắp lượng lao động thiếu hụt trong nước, một dịch vụ “xuất khẩu lao động mới – hay du học kiểu mới” xuất hiện ở Việt Nam.
Dịch vụ này được thực hiện theo mô hình: Sang Nhật dưới dạng du học sinh (xin visa du học, có đăng ký lớp tại một trường tiếng Nhật), nhưng thực tế khi sang Nhật rồi du học sinh chủ yếu đi làm kiếm tiền, coi nhẹ việc học.
Thống kê của IFSA (Hiệp hội lưu học sinh quốc tế ở Nhật) cho hay, số lượng du học sinh Việt Nam ở Nhật năm 2013 là khoảng 15.000 người, gấp 4 lần năm 2012, và gấp 18 lần tổng số du học sinh năm 2009. Điều đó cho thấy lượng sinh viên tăng rất nhanh.
Còn theo thống kê năm 2015 của JASSO (cơ quan hỗ trợ sinh viên Nhật – Japan student services organization) thì số du học sinh nước ngoài đến Nhật năm 2015 là 208.379, trong đó Trung Quốc đứng thứ nhất (45,2%), Việt Nam thứ hai (18,7%) nhưng tốc độ tăng của lưu học sinh Việt Nam đứng vị trí số một. Sinh viên các nước khác sang Nhật thì tỷ lệ học đại học, cao đẳng cao; sinh viên Việt Nam thì 80% học ở trường nghề và trường tiếng Nhật, chỉ có 20% học cao đẳng và đại học trở lên.
Yêu cầu nhập cảnh được thắt chặt nhằm giảm thiểu nạn nhập cư bất hợp pháp ở Nhật Bản. |
Số người Việt Nam sang Nhật với mục đích lao động chủ yếu xin học tại các trường dạy tiếng Nhật hoặc trường dạy nghề, vì các trường này dễ làm thủ tục nhập học và không quản lý sát sao việc học tập của học sinh.
Luật pháp Nhật cho phép người có visa du học được lao động tối đa 28 tiếng một tuần. Tuy nhiên, những du học sinh sang Nhật lao động thường làm việc quá thời gian pháp luật cho phép. Có khi làm thâu đêm, ngủ ngày (ngủ trong lớp học tiếng Nhật, hoặc bỏ học để ngủ lấy sức) để dùng thời gian còn lại làm việc.
Nhiều du học sinh cho biết làm việc một ngày gần 20 tiếng, và kiếm được khá nhiều tiền nếu may mắn được làm việc liên tục. Nếu tính một tiếng 800 yen thì mỗi ngày người làm việc gần 20 tiếng sẽ có 16.000 yen; một tháng nếu công việc đều kiếm được hơn 60-70 triệu đồng. Một thu nhập đáng kể từ việc làm thêm.
Nhưng, không phải ai cũng may mắn như trên. Rất nhiều bạn sang du học với mục đích đi làm, nhưng cuối cùng không tìm được việc, hay công việc quá ít không đủ tiền trả học phí, công việc quá vất vả lại xa trường học… Hơn nữa, dù có việc làm như may mắn ở trên, các em không có thời gian đi học, và vì thế dù ở Nhật 2-3 năm vẫn không giao tiếp trôi chảy được bằng tiếng Nhật. Quan trọng hơn các em có thể bị đuổi học vì không đến lớp đầy đủ, hoặc không được gia hạn visa vì học quá lâu mà không lên được trình độ.
Đã có những du học sinh Việt Nam bị nhà chức trách sở tại bắt vì tội ăn cắp và cư trú bất hợp pháp tại Nhật. Có em trả lời cảnh sát rất ngây thơ và thật thà về dự định trong tương lai của mình ở Nhật, nếu cư trú bất hợp pháp trót lọt như sau: “Em làm visa du học một năm, sau đó lao động kiếm tiền, đủ tiền thì đón vợ sang. Vợ em sẽ sang Nhật kiểu đi du lịch, em đón vợ em ở sân bay rồi chúng em sống với nhau, lập nghiệp ở Nhật”.
Sang Nhật hiện nay khá dễ dàng. Chính phủ Nhật còn cân nhắc bỏ thủ tục xin visa cho người Việt Nam sang du lịch ngắn ngày. Trong thực tế, không phải nhà chức trách Nhật Bản không biết chuyện du học sinh sang lao động. Tuy nhiên, Chính phủ có ý nới lỏng việc này để bù đắp tình trạng thiếu lao động nên cũng làm ngơ nhiều. Chỉ khi nào ai đó ăn trộm, làm hại người khác thì cảnh sát mới nghiêm khắc xử lý.
Quả thật, nếu cư trú bất hợp pháp mà không trộm cắp, hoặc lao động kiểu trồng thuốc phiện thì cũng không phải là quá xấu xa. Tuy nhiên, những người sang du học và cư trú bất hợp pháp này thường chỉ học hết cấp 2-3 ở Việt Nam nên trình độ nhận thức hạn chế, rất dễ bị cộng đồng đã và đang cư trú bất hợp pháp rủ rê làm việc xấu. Kết quả là cái nhìn về du học sinh Viêt Nam (trong đó gồm cả những người du học thuần túy) trở nên xấu đi nhiều trong mắt người Nhật.
Thống kê của cảnh sát Nhật năm 2014 cho thấy, người Việt Nam đứng thứ hai trong số vụ tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Nhật, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, báo Sankei của Nhật tháng 11/2016 thống kê số vụ phạm tội ở Nhật do người việt Nam là 2.556, đứng đầu trong số vụ phạm tội do người nước ngoài. Đặc biệt, phần lớn người Việt Nam phạm tội trong vài năm gần đây là du học sinh lao động và tu nghiệp sinh bỏ trốn khỏi nghiệp đoàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ Nhật quyết định áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về nhập cảnh đối với du học sinh, sẽ góp phần chọn lọc được các bạn trẻ sang Nhật với mục đích học tập thật sự, giảm các thành phần có khả năng phạm pháp, từ đó giảm các ca phạm tội của người Việt Nam tại Nhật, cải thiện hình ảnh người Việt Nam trong mắt người Nhật.
Phi Hoa
Cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật
Chuyên viên tư vấn chiến lược kinh doanh làm việc ở Tokyo