Sinh viên ngành Công nghệ thông tin: Số lượng át chất lượng?

0
1433

Hiện nay có rất nhiều nơi, nhiều trường mở khoa, bộ môn công nghệ thông tin (CNTT). Từ đó, nhiều sinh viên (SV) giỏi đã trở thành những kỹ thuật viên, lập trình viên, chuyên gia có nhiều đóng góp cho ngành CNTT nước nhà. Thế nhưng, cũng thật khó tin khi có những SV CNTT năm cuối hẳn hoi mà mang đĩa mềm hoặc USB Flash Disk chứa toàn những file Shortcut (*.lnk) để… in luận văn, cùng nhiều chuyện dở khóc dở cười khác…

Sinh viên Công nghệ thông tin thực hành trên… giấy

B., nhân viên một công ty của Nhật từng học ngành CNTT hệ 3 năm của một trường cao đẳng dân lập kể lại: “Không biết các trường có khoa CNTT khác dạy thế nào, trường tôi dạy CNTT mà toàn ngồi viết giấy không à! Lập trình C++, Asp, Java… toàn viết giấy không. Giờ thực hành so với giờ ngồi viết giấy giống như giờ nghỉ giải lao so với giờ học vậy. Cái gì cũng được học, cái gì cũng biết nhưng rốt cuộc chẳng biết sâu cái gì. Nguyên cuốn giáo trình Java dày hơn 300 trang, SV được học chỉ trong 45 tiết. Cái phòng máy cho SV CNTT thực tập trường tôi phải mất hơn 5 phút để khởi động computer, vậy thì làm sao mà lập trình với lại phân tích thiết kế hệ thống?”. “Hoảng” với cách học trong trường, B. bèn ra ngoài học sâu về chuyên ngành mà cậu trót đam mê này. Cũng may là công ty nhận B. vào làm mà không đếm xỉa gì đến bằng cấp.

Lại có chuyện khi được hỏi “Có phải hiện nay người ta sử dụng phương pháp lập trình hướng đối tượng (kỹ thuật lập trình hỗ trợ công nghệ đối tượng) để viết phần mềm?” thì câu trả lời của một SV CNTT là “Lập trình hướng đối tượng chỉ mang tính lý thuyết và thực tế người ta không hề áp dụng”! Còn nhiều bạn SV CNTT chính tông cho biết sử dụng internet chủ yếu để chat và e-mail chứ chưa từng vào những trang như sf.net. Thêm một chuyện cô SV CNTT của một trường ĐH tiếng tăm mà có bài tập thực hành thiết kế 1 trang web cũng phải nhờ cậu em lớp 10 làm hộ, bởi toàn học lý thuyết ở trường chứ có được thực hành gì đâu!…

Quả thực, việc giảng dạy CNTT ở đa số trường ĐH, CĐ của ta có một điểm yếu là còn thiên về lý thuyết, ít thực hành, cơ sở vật chất chưa theo kịp với nhu cầu của một ngành có đặc trưng là “học trên máy” này. SV ít được làm các dự án hay bài tập lớn cũng như ít có thói quen, kỹ năng làm việc theo nhóm. Hơn nữa, các khoa/bộ môn CNTT cũng không chia ra thành từng ngành nhỏ như ở nước ngoài mà học “tất tần tật”.

Nhưng thực hành chưa phải là tất cả

Vì thực hành trong CNTT đôi khi chỉ với cái máy tính là vẫn chưa đủ và CTTT không chỉ bó hẹp trong máy vi tính và hệ điều hành. Đa số những SV CNTT giỏi thực sự đều do tự mày mò học và nghiên cứu. Thậm chí có những kẻ “ngoại đạo” lại cực siêu. Thực ra, nhà trường chỉ dạy những kiến thức làm nền tảng và ngày nay khi công nghệ phát triển như vũ bão thì SV phải chủ động tự cập nhật kiến thức. Bên cạnh những tiết “mài đũng quần” nơi giảng đường, SV cần có sự tìm tòi, sáng tạo, đam mê và nỗ lực để biết biến những kiến thức nền tảng đó thành bệ phóng. Như chúng ta thấy kiến thức CNTT trong trường ĐH ở VN cũng khá cao và giảng viên đa số là người đã từng có thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài nên phương pháp dạy, tác phong cũng khá an tâm. Có một số môn sử dụng sách tiếng Anh, ở các trường đại học nước ngoài dùng giáo trình “Software Engineering: A practictioner’s approach” thì trường ĐH ở VN cũng dùng giáo trình đó (chỉ khác là bản copy). Các từ chuyên môn học trong bài giảng cũng được dùng đa số là tiếng Anh, một số giảng viên còn trình bày slide bằng tiếng Anh. Vì thế, tiếng Anh đối với dân CNTT là tối quan trọng nếu chúng ta muốn tiếp cận với sự phát triển của CNTT tiên tiến trên thế giới.

Có một “rào cản” cho thầy và trò CNTT hiện nay là vấn đề cơ sở vật chất. Máy tính là điều kiện tối thiểu nhưng không nhiều SV có máy tính riêng, tới trường thì cũng thiếu nốt. Vậy bạn có đồng ý đóng học phí 100 USD/tháng tại trường để được có điều kiện học như ở các trung tâm kiểu Aptech hay Tata Infotech, SaigonCTT…? Vấn đề nữa, bạn trẻ cần nhìn CNTT như một công cụ phục vụ đời sống hơn là một cái gì đó biểu hiện cho thời đại, cho sự sành điệu để rồi cố thi cho được vào khoa CNTT trong khi không có đam mê, tìm tòi, không có năng lực. Nếu như vậy, chất lượng của phần lớn SV CNTT sẽ mãi chỉ là “mang đĩa mềm hay USB Flash Disk chứa toàn những file Short Cut (*.lnk) để… in luận văn” và “cắp cặp” cho một em bé lớp 10 mà thôi!