6 điểm mới cần lưu ý trong mùa tuyển sinh 2022

0
905

 Theo bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, nhưng dự kiến sẽ có một số điều chỉnh mang tính kỹ thuật. 

Dự kiến những điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm mầm non chỉ mang tính kỹ thuật. Ảnh minh họa: TGDự kiến những điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm mầm non chỉ mang tính kỹ thuật. Ảnh minh họa: TG

Những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học; đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập còn tồn tại.

Dự kiến 6 điểm mới

– Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số dự kiến điều chỉnh trong công tác tuyển sinh 2022. Bà có thể giải thích kỹ hơn về những điều chỉnh này?

– Trước hết, cần khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, nhằm bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh và cơ sở đào tạo cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung so với năm 2021:

Thứ nhất, việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đợt 1: Tất cả nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, phương thức, cơ sở đào tạo) đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh).

Thứ ba, tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của lựa chọn này, bảo đảm công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Thứ năm, kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) được cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời dữ liệu này được kiểm tra, rà soát sau khi đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Thứ sáu, các cơ sở giáo dục đại học phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

Không hạn chế quyền lợi của thí sinh

– Bà có nhắc đến tuyển sinh 2022 sẽ giữ ổn định như năm trước. Vậy tại sao Bộ GD&ĐT lại có chủ trương điều chỉnh những nội dung trên?

– Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2021, công tác tuyển sinh vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định nên cần điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn. Chẳng hạn như, vẫn tồn tại tỷ lệ không nhỏ về thí sinh ảo. Ngoài ra, có tình trạng một thí sinh đỗ vào nhiều trường đại học khác nhau trong cùng đợt xét tuyển, ảnh hưởng tới cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác, gây khó khăn cho công tác dự báo trong tuyển sinh của cơ sở đào tạo… Nguyên nhân là do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh và gây một số hệ quả không tốt trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng chưa có đủ biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Cũng có trường chưa thực sự tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên và có năng lực nhất.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống, hoặc chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu. Cũng có trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh tiến hành nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…

Khắc phục tình trạng này, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng như đã trình bày ở trên; trong đó có dự kiến xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước.

– Nếu tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh được lọc ảo chung trên hệ thống, và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo thì có ảnh hưởng đến quyền tự chủ của trường và hạn chế quyền lựa chọn của các thí sinh hay không?

– Việc này sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh. Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình (đã sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng) khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học cũng vẫn bảo đảm quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của sở GD&ĐT

– Dự kiến năm nay thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy đây có phải là một trong những điều chỉnh kỹ thuật và thời điểm cụ thể như thế nào?

– Kế hoạch tuyển sinh phụ thuộc vào thời điểm thi THPT. Bộ GD&ĐT đang tham vấn các bên liên quan để cố gắng công bố trong thời gian sớm nhất. Dự kiến thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT ở thời điểm bình thường như mọi năm. Nghĩa là, thí sinh đăng ký trước khi thi trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, khi các em đăng ký thi tốt nghiệp THPT thì chưa cần đăng ký xét tuyển đại học ngay, khi nào thi tốt nghiệp THPT xong mới thực hiện bước này.

Những năm trước, thí sinh đăng ký chủ yếu trên phiếu trực tiếp, sau đó mới nhập dữ liệu vào hệ thống. Vì vậy, thí sinh phải đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký thi THPT để thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển và hoàn thiện, thí sinh có thể thuận tiện đăng ký trực tuyến. Hơn nữa, như năm trước, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, chúng ta vẫn phải mở cổng hệ thống để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Vậy tại sao chúng ta không mở cổng tuyển sinh một lần trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 3 – 6 tuần) sau khi các em thi tốt nghiệp THPT? Phương án này sẽ giảm bớt được một bước, thuận tiện cho thí sinh, cho hệ thống và tiết kiệm chi phí chung cho toàn xã hội.

– Các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khiến dư luận băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển và công bằng cho thí sinh. Bộ GD&ĐT có giải pháp như thế nào để giải quyết bài toàn này?

– Thống kê cho thấy, có khoảng 20 phương thức xét tuyển đầu vào đại học. Tuy nhiên, thực tế, các phương thức chủ yếu tập trung là: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, tuyển thẳng… Song, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành, phân bổ số lượng chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Đơn cử như, năm 2021, một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ.

Để công tác tuyển sinh năm 2022 đảm bảo hiệu quả, công bằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh theo đúng quy chế. Đồng thời, xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo và xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như chịu trách nhiệm giải trình với các bên liên quan.

Mặt khác, chúng tôi dự kiến quy chế tuyển sinh cũng yêu cầu cơ sở đào tạo phải đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bãi bỏ thì phải có lộ trình. Ví dụ: Không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm chất lượng, công tác tuyển sinh của một số trường…

– Vậy vai trò của các sở GD&ĐT như thế nào trong công tác tuyển sinh, thưa bà?

– Năm nay, vai trò của các sở GD&ĐT sẽ được nâng lên. Cụ thể, phía sở GD&ĐT sẽ hoàn thiện kế hoạch chi tiết để triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tại địa phương. Đồng thời, rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Các sở cần chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành và kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi, xét tuyển. Mặt khác, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong khâu tổ chức thi THPT và hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến.

Bên cạnh đó, sở GD&ĐT có trách nhiệm tổ chức tập huấn các nội dung của quy chế, quy trình nghiệp vụ, sử dụng phần mềm… nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển. Sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp khi tổ chức thi THPT để nhập dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh. Ngoài ra, các sở GD&ĐT sẽ có trách nhiệm tổ chức cho thí sinh thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia; hỗ trợ thí sinh tự do đăng ký dự thi và xét tuyển. Cùng với đó, hướng dẫn các trường THPT có thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, các sở cần chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm ở các khâu như: Đặt hàng, giao nhiệm vụ; xây dựng quy trình, tiêu chí; và tổ chức triển khai.

– Xin cảm ơn bà!

Chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của nhiều trường đại học vì sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với đại đa số các trường mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác, nhà trường có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, đều có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.

Theo Báo Giáo dục và đào tạo