Cẩn trọng trước khi “bấm nút” điều chỉnh nguyện vọng

0
866

 

Cẩn trọng trước khi "bấm nút" điều chỉnh nguyện vọng

Bên cạnh đó, việc hàng triệu lượt học sinh đăng ký trực tuyến yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo của cơ quan chuyên môn về hạ tầng công nghệ thông tin.

Phải quyết định chính xác

“Năm 2022 dự kiến thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học chỉ một đợt thay vì 2 đợt như những năm trước. Một lần ở đây không phải là đăng ký rồi thì không thay đổi hay mất đi quyền lợi, mà trong một khoảng thời gian quy định từ 3 – 4 tuần sau khi thí cân nhắc tất cả nguyện vọng, các em sẽ không thay đổi nữa”, cô Nguyễn Thị Huệ cho hay.

Chia sẻ những điểm mới đáng chú ý trong tuyển sinh đại học năm 2022 và những điều thí sinh cần lưu ý, cô Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình), cho biết: Giống như những năm trước, thí sinh đăng ký vào các ngành, trường khác nhau ở phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết. Nguyện vọng 1 là được ưu tiên nhất, mong muốn được trúng tuyển nhất của thí sinh. Mỗi thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất.

Nhấn mạnh thí sinh cần suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi bấm nút, cô Bùi Thu Hiền, phụ trách công tác tuyển sinh Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), khuyên: Khi nhập (đăng ký) nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trên hệ thống, học sinh nên viết ra giấy các trường, ngành, khối mình muốn; điểm xét tuyển các trường, ngành, khối muốn theo học ở đại học, cao đẳng trong 3 năm gần đây; phổ điểm theo các khối mà học sinh đạt điểm thi cao nhất, hoặc khối muốn đăng ký xét tuyển.

“Các em nhập nguyện vọng theo hướng xuống dần với trường, ngành mình thích học mà có điểm xét tuyển các năm gần đây từ cao nhất xuống dần đến dưới điểm thi mình đạt được trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT tầm  2 – 3 điểm. Một trường, một ngành trong trường có thể có nhiều khối thi/xét tuyển, các em sắp xếp linh hoạt theo điểm đạt được, đăng ký nhiều khối với cùng ngành học, trường học đó để nâng cao khả năng trúng tuyển”, cô Bùi Thu Hiền đưa lời khuyên.

Bên cạnh nhấn mạnh “nghiên cứu kỹ, viết ra các phương án tuyển sinh, ngành học”, cô Hiền khuyên học sinh cần giữ gìn sức khỏe; tập trung hết khả năng để học tập, ôn luyện; thực hiện đầy đủ, chính xác, theo đúng kế hoạch, tiến độ nhập (đăng ký), soát (giám sát, kiểm tra) thông tin tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng; đăng ký nộp hồ sơ tuyển thẳng (dự phòng) khi có kết quả học tập đáp ứng yêu cầu tuyển thẳng của trường đại học, cao đẳng…

Trước những thay đổi về tuyển sinh, theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), học sinh có thời gian đăng ký nguyện vọng và lợi thế khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, do không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã hết thời gian đăng ký nên cần chú ý tập trung ôn tập thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt đầu tư các môn dự kiến sẽ sử dụng kết quả để xét tuyển sinh. Chuẩn bị các nguyện vọng phù hợp năng lực, điều kiện gia đình và các yếu tố khác theo thứ tự ưu tiên một cách khoa học.

Xác định, tìm hiểu thật kỹ để có nguyện vọng phù hợp, tính khả thi cao, tránh trường hợp đăng ký nhiều trường sau đó trúng tuyển trường nào học trường đó. Học sinh cũng cần chuẩn hóa thông tin cá nhân và chuẩn bị trước hồ sơ về đối tượng ưu tiên, khu vực tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi về sau; chủ động tiếp cận thông tin về các trường đại học, cao đẳng dự kiến đăng ký xét tuyển.

Học sinh Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) tìm hiểu về ngành học, trường học trước mùa tuyển sinh năm 2020.

Chuẩn bị chu đáo hạ tầng công nghệ

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT chủ trương giữ ổn định phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 và các năm tiếp theo, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật thực hiện nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và các cơ sở đào tạo đồng thời khắc phục một số bất cập vừa qua, nâng cao tính công bằng trong tuyển sinh. Một trong những nội dung đáng chú ý là thí sinh sẽ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến. Việc đăng ký xét tuyển diễn ra trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Liên quan đến nội dung này, TS Lê Quang Minh, Trưởng phòng Nghiên cứu An toàn thông tin, Viện Công nghệ thông tin, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được tổ chức thi trên máy và đều thành công; thí sinh đang đăng ký những đợt tiếp theo. Tuy nhiên, việc tổ chức chỉ ở quy môn khoảng 10.000 thí sinh đăng ký.

Với bài toán lên đến cả triệu thí sinh truy cập, lại có thể tập trung vào cùng một thời gian, theo TS Lê Quang Minh, cần không chỉ là giải pháp công nghệ, mà cả giải pháp tổ chức thực hiện thế nào cho phù hợp. Theo đó, bên cạnh chuẩn bị chu đáo hạ tầng kỹ thuật, giải pháp công nghệ, bài toán cân bằng tải, cần tính toán cách thức tổ chức thực hiện hợp lý. Đơn cử như để thí sinh hiểu rõ có thể đăng ký trong một khoảng thời gian, giải pháp chia khối, cho thí sinh đăng ký theo khối thi chẳng hạn… để không dẫn đến tình trạng số người truy cập một lúc quá đông.

Với hàng triệu lượt đăng ký, hệ thống được chuẩn bị thế nào để tránh quá tải? Trước băn khoăn này, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin: Bộ GD&ĐT từng bước nâng cấp hệ thống phần mềm để hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trực tuyến, hỗ trợ tốt hơn các trường trong xử lý nguyện vọng đăng ký và lọc ảo. Hệ thống này cũng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Như năm 2021, hệ thống đã đáp ứng tốt cho 3 – 4 triệu nguyện vọng đăng ký.