Bắt đầu lọc ảo, các trường lo sốt vó

0
918
tuyen-sinh-2022-diem-chuan-se-khong-thay-doi-nhieu-1

Hôm nay, 10-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu lọc ảo kết quả đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh. Nhiều trường có hàng chục ngàn nguyện vọng đăng ký vẫn lo không tuyển đủ chỉ tiêu vì ảo.

Bắt đầu lọc ảo, các trường lo sốt vó - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm 2022 – Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Dù chưa có kết quả xét tuyển đợt 1, Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM đã thông báo xét tuyển học bạ đợt 6 từ ngày 5 đến 20-9 cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Đây là một trong số ít trường xét tuyển khi chưa có kết quả đợt 1.

Ông Trần Mạnh Hà, phó hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, cho biết số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường tương đương năm trước, riêng nguyện vọng xét điểm tốt nghiệp giảm đến 40% so với năm trước.

“Lượng nguyện vọng 1 tương đương chỉ tiêu nhưng chắc chắn sẽ khó đảm bảo nên trường thực hiện xét học bạ bổ sung” – ông Hà nói.

Nguyện vọng thứ… 92

Tương tự, Trường ĐH Gia Định cũng đã nhận hồ sơ xét tuyển học bạ cho đợt mới dù chưa có kết quả đợt 1.

Ông Trịnh Hữu Chung, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay trường có hơn 5.700 nguyện vọng, 70% số nguyện vọng xét tuyển kết quả học bạ. Trong đó số lượng nguyện vọng 1 là 1.811.

“Số lượng nguyện vọng 1 tương đương với chỉ tiêu của trường năm nay. Tuy nhiên chắc chắn không phải toàn bộ thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học nên trường phải xét tuyển bổ sung. Tỉ lệ ảo do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học sẽ không hề nhỏ. Ngay cả việc đăng ký nguyện vọng, nhiều thí sinh đăng ký xét học bạ theo kiểu “cho vui”. Có thí sinh xếp trường ở nguyện vọng thứ 92″ – ông Chung nói.

Tương tự, dù có hơn 62.000 nguyện vọng đăng ký, trong đó hơn 16.000 nguyện vọng 1 nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vẫn lo không tuyển đủ chỉ tiêu.

Ông Trần Hải Nam – giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết tỉ lệ nguyện vọng xét học bạ chiếm khoảng 60% tổng số nguyện vọng. Tuy số lượng nguyện vọng 1 nhiều hơn chỉ tiêu của trường nhưng chưa chắc trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay sau đợt 1.

“Những năm trước tỉ lệ trúng tuyển học bạ nhập học khá thấp. Dù năm nay việc lọc ảo chung có thể giảm ảo nhưng có thể thí sinh trúng tuyển học bạ và phương thức khác vẫn không nhập học. Đó là chưa kể số lượng nguyện vọng năm nay giảm so với trước” – ông Nam lý giải.

Trong khi đó, ông Phạm Doãn Nguyên – giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM – cho biết trường có hơn 30.000 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 hơn 5.000. Sau khi lọc ảo, lượng nguyện vọng sẽ giảm rất nhiều nên có thể trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Nguyên cho biết khoảng 3-4% số thí sinh đăng ký nguyện vọng bằng điểm thi tốt nghiệp chưa đóng lệ phí xét tuyển. Đó là chưa kể thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

“Tỉ lệ nhập học bằng điểm thi tốt nghiệp vào trường năm trước khá thấp nên năm nay có thể cũng sẽ như vậy. Hơn nữa, việc xét học bạ, thí sinh đăng ký rất nhiều trường, có thí sinh xếp trường ở nguyện vọng thứ 60. Sau khi lọc ảo, số thí sinh còn lại không nhiều và thường tỉ lệ nhập học cũng rất thấp” – ông Nguyên nói thêm.

Số lượng nguyện vọng giảm

Ghi nhận từ nhiều trường cho thấy hầu hết số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm nay đều giảm so với năm trước.

Ông Nguyễn Trung Nhân – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM – cho biết trường đưa lên hệ thống xét tuyển chung của bộ dữ liệu gần 20.000 thí sinh xét học bạ nhưng cuối cùng chỉ có khoảng 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng. Số nguyện vọng xét điểm thi tốt nghiệp giảm mạnh so với năm trước và phân bố không đều. Năm 2021 có hơn 60.000 nguyện vọng, năm nay chỉ có hơn 25.000 nguyện vọng.

Theo ông Nhân, cái khó nhất của các trường năm nay đó là việc xác định tỉ lệ gọi trúng tuyển bao nhiêu là vừa.

“Những năm trước, tỉ lệ nhập học của thí sinh xét điểm tốt nghiệp vào trường khoảng 75%. Trường sẽ gọi trúng tuyển 125% để trừ hao. Năm nay bộ khẳng định sẽ không còn ảo. Liệu sẽ chắc chắn không còn ảo không? Nếu gọi nhập học trừ hao 5%, nếu vẫn còn ảo chắc chắn trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu gọi nhiều hơn, chẳng may không có ảo trường sẽ tuyển vượt và bị phạt rất nặng.

Hơn nữa năm nay chỉ tiêu xác định theo khối ngành nên các trường cũng khó khăn hơn. Việc tuyển bổ sung sẽ rất khó khăn vì năm nay đã quá trễ và nguồn tuyển không còn” – ông Nhân cho biết thêm.

Đại diện các trường công lập khác như Nông lâm TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng cho rằng kết quả tuyển sinh năm nay khó nói trước điều gì.

Ông Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP.HCM – lo lắng mấy hôm nay nhiều thí sinh liên lạc với trường đề nghị giải quyết việc đăng ký nguyện vọng, đóng lệ phí. Nhiều thí sinh chưa nắm quy định tuyển sinh năm nay nên chưa thực hiện đúng. Do đó, có thể việc xét tuyển sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Phát sinh nhiều vấn đề

Ông Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng so sánh chỉ tiêu và số lượng nguyện vọng đăng ký, có thể trường sẽ không xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên, việc xét tuyển năm nay có thể phát sinh nhiều vấn đề. Chỉ riêng tại trường đã có rất nhiều thí sinh bị sai nguyện vọng so với đăng ký, không ghi nhận nguyện vọng hoặc thứ tự nguyện vọng không đúng như đăng ký của thí sinh.

Kêu trời phí lọc ảo

Ngày 10-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành lọc ảo toàn quốc. Hai nhóm lọc ảo khu vực phía Bắc (do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì) và phía Nam (do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì) cùng tiến hành lọc ảo song song. Mỗi trường tham gia nhóm lọc ảo của hai nhóm phải đóng phí cho đơn vị chủ trì.

Năm nay, nhóm lọc ảo miền Bắc có sự tham gia của 58 trường. Mỗi trường phải đóng phí chung 3 triệu đồng. Ngoài ra, với mỗi nguyện vọng, trường phải đóng phí 700 đồng.

Đại diện một trường đại học phía Bắc cho biết trường ông có hơn 40.000 nguyện vọng và số tiền lọc ảo phải đóng khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó ở nhóm phía Nam, mỗi trường tham gia đóng phí trọn gói 2 triệu đồng.

Theo Báo Tuổi Trẻ