Bộ GD-ĐT giải đáp nóng về đăng ký dự thi

0
2631
Sau năm ngày đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017, nhiều thí sinh đã gửi câu hỏi thắc mắc đến Cổng thông tin tuyển sinh, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã giải đáp nóng cho thí sinh như sau:

* Để đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH không gặp những sai sót đáng tiếc, thí sinh cần phải chú ý những điểm gì?

– Năm nay, khi đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh phải điền thông tin vào phiếu ĐKDT và đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH hoặc vào các ngành đào tạo giáo viên của các trường CĐ. Việc ĐKXT vào các trường CĐ khác thí sinh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.

Thông tin cần điền trong phiếu ĐKDT không khác nhiều so với năm 2015, 2016. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý một số điểm mới và những điểm mà thí sinh các năm trước thường mắc lỗi:

– Thí sinh đang học lớp 12 phải đăng ký thi đủ các môn thành phần của bài thi tổ hợp; chỉ có thí sinh tự do đã tốt nghiệp hoặc thí sinh được bảo lưu điểm thi theo quy định của quy chế mới được chọn các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp;

– Thí sinh giáo dục thường xuyên không phải thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp, tuy nhiên vẫn có thể ĐKDT môn ngoại ngữ để sử dụng kết quả trong xét tuyển vào các trường;

– Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn hiệu lực theo quy định, để được miễn thi (đạt điểm tối đa) môn ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp, cần phải điền đầy đủ thông tin trong mục 15 của phiếu đăng ký dự thi. Tuy nhiên, các thí sinh cần lưu ý: để có thể ĐKXT vào các tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả môn ngoại ngữ, các thí sinh cần xem đề án tuyển sinh của trường dự định ĐKXT. Nếu trường không thực hiện chính sách xét tuyển môn ngoại ngữ với chứng chỉ quốc tế thì thí sinh phải ĐKDT môn ngoại ngữ để ĐKXT ĐH, CĐ (đồng thời đăng ký miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp);

– Thí sinh có đăng ký sơ tuyển (vào các trường khối công an, quân đội, năng khiếu), cần sử dụng thống nhất số chứng minh nhân dân khi ĐKDT và đăng ký sơ tuyển.

Khi điền thông tin ĐKXT, các thí sinh cần lưu ý:

– Điền chính xác thông tin về ưu tiên trong tuyển sinh, thông tin về mã trường, mã ngành và mã tổ hợp để xét tuyển phải phù hợp với môn thi đã đăng ký.

– Khi lựa chọn trường, ngành cần cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở nghiên cứu các quy định trong quy chế tuyển sinh.

* Trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT quy định với thí sinh tự do đã tốt nghiệp, có thể đăng ký tại bất cứ đâu và dự thi tại bất cứ địa phương nào phù hợp. Tuy nhiên, với đối tượng là thí sinh tự do thi để xét tốt nghiệp (do năm 2016 chưa đỗ tốt nghiệp), Bộ GD-ĐT có lưu ý gì?

– Đối với đối tượng thí sinh tự do chưa đỗ tốt nghiệp THPT ĐKDT tại các trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên). ĐKDT ở điểm ĐKDT nào thì phải dự thi cùng với các thí sinh lớp 12 của điểm ĐKDT đó.

Những thí sinh này được quyền bảo lưu kết quả thi năm 2016 để xét tốt nghiệp theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia và được chọn các môn thành phần của bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp (ví dụ: thí sinh được bảo lưu môn vật lý sẽ chỉ cần đăng ký thi môn hóa học, sinh học để xét tốt nghiệp).

Tuy nhiên, nhiều trường đại học không sử dụng kết quả thi được bảo lưu từ năm 2016 để xét tuyển nên thí sinh cần nghiên cứu đề án tuyển sinh của trường dự kiến ĐKXT để ĐKDT cho phù hợp.

Một điểm quan trọng mà thí sinh tự do chưa tốt nghiệp cần phải lưu ý: khác với thí sinh đang học lớp 12, việc đăng ký xét công nhận tốt nghiệp được thực hiện vào cuối tháng 5, thí sinh tự do nộp phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp cùng với phiếu ĐKDT.

* Theo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp học theo chương trình nào phải ĐKDT theo quy định của chương trình đó. Năm 2016 thí sinh dự thi nhưng chưa đỗ tốt nghiệp, thí sinh tiếp tục theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh có cần ĐKDT môn ngoại ngữ?

– Việc xác định thí sinh học theo chương trình nào phải căn cứ vào học bạ. Nếu trong học bạ của thí sinh (ít nhất là lớp 12) có kết quả học tập do trung tâm giáo dục thường xuyên cấp thì thí sinh được phép ĐKDT theo quy định đối với thí sinh giáo dục thường xuyên và không phải ĐKDT môn ngoại ngữ.

* Để có kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh đã đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp. Nếu có một bài thành phần trong bài thi tổ hợp có kết quả dưới 1,0 điểm, thí sinh có được xét công nhận tốt nghiệp? Việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển sẽ được thực hiện ra sao?

– Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định: để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tự chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp KHTN, KHXH.

Quy chế cũng quy định thí sinh có thể ĐKDT cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Trong trường hợp này, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý: đã ĐKDT bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trường hợp ĐKDT cả 2 bài thi tổ hợp.

Nếu thí sinh ĐKDT cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài sẽ bị coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.

Khi thí sinh có kết quả của cả hai bài thi tổ hợp, hệ thống sẽ tự xác định bài tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm “liệt” (điểm từ 1,0 trở xuống) để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Trường hợp cả hai bài thi tổ hợp đều không có môn thành phần bị điểm “liệt”, hệ thống sẽ chọn bài thi có kết quả cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy, trong 2 bài thi tổ hợp chỉ cần 1 bài không có môn thành phần bị điểm “liệt” là thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp.

Đối với bài thi có môn thành phần bị điểm “liệt”, nếu đã tốt nghiệp, thí sinh không thể dùng kết quả cả bài thi đó để xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng vẫn có thể dùng kết quả của các môn thành phần có kết quả trên 1,0 điểm để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

* Về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, năm nào cũng có những thí sinh làm đơn khiếu kiện. Bộ GD-ĐT có lưu ý gì không?

– Hiện nay ưu tiên trong tuyển sinh bao gồm: ưu tiên theo đối tượng và ưu tiên theo khu vực. Trong quy chế tuyển sinh, hướng dẫn tuyển sinh đã đưa ra các quy định về minh chứng cần có để được hưởng ưu tiên theo đối tượng; danh mục các xã phường được hưởng ưu tiên khu vực đã được công bố công khai trên cổng thông tin của bộ, các thí sinh có thể tham khảo.

Như vậy, trước khi điền thông tin về ưu tiên trong tuyển sinh, các thí sinh cần đọc kỹ các văn bản trên. Ngoài ra, hệ thống quản lý của bộ có chức năng rà soát chế độ ưu tiên đối tượng: nếu thí sinh điền thông tin sai, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh cho đúng. Do vậy, thí sinh khi nhận được bản in kết quả ĐKDT và ĐKXT, cần rà soát kỹ trước khi ký xác nhận.

* Thí sinh có thể ĐKXT vào cùng một ngành của một trường với nhiều tổ hợp được không?

– Thực tế, các trường ĐH thường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành và có quy định cụ thể về cách xét tuyển giữa các tổ hợp này. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành. Tuy nhiên, phải lưu ý:

–  Mỗi một tổ hợp là một nguyện vọng;

– Nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà thí sinh có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn.

* Thí sinh có thể đăng ký một lúc hai ngành vào cùng một trường ĐH? Và thứ tự xét tuyển như thế nào?

– Theo quy chế tuyển sinh năm 2017, thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Ở mỗi nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, mã tổ hợp để xét tuyển.

Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành/nhiều tổ hợp trong một trường; mỗi ngành/mỗi tổ hợp trong ngành là một nguyện vọng. Khi ĐKXT, ngay từ đầu thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đó.

* Hiện tại thí sinh đang học ở ngoài Bắc và dự định sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ nộp vào trường ĐH ở khu vực TP.HCM có được không?

– Ngay từ bây giờ, khi ĐKDT, thí sinh đã có thể ĐKXT vào các trường ĐH ở phía Nam (những trường có vùng tuyển sinh trong cả nước).

Trong trường hợp chưa ĐKDT vào các trường này thì sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể thay đổi, bổ sung nguyện vọng một lần để đăng ký bổ sung các trường ĐH tại TP.HCM.

* Với xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh cần đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ? Thí sinh cần chú ý gì?

– Mặc dù quy chế tuyển sinh không hạn chế số nguyện vọng, nhưng thí sinh cần cân nhắc xem xét kỹ từng nguyện vọng trước khi đăng ký, phải đảm bảo các nguyện vọng đăng ký phù hợp với năng lực của mình nhưng cũng là những ngành mình yêu thích để đảm bảo được làm công việc yêu thích hoặc phù hợp với năng lực, khi đã trúng tuyển không phải cân nhắc việc có nên nhập học hay không.

Tại thời điểm này, thí sinh chưa có kết quả thi, nên về cơ bản thí sinh phải chọn cả 3 trường/nhóm trường: nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh một chút; nhóm trường hoàn toàn  phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng những rủi ro khi thi cử.

Ngoài ra, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng cũng cần cân nhắc kỹ. Về cơ bản, nguyện vọng thí sinh yêu thích hơn sẽ được đặt lên trên để đạt được các mục đích trên.

* Bộ có những quy định gì cho phần khai số CMND/thẻ căn cước công dân, vì hiện nay vẫn có cả CMND mẫu cũ (9 số), CMND mẫu mới hoặc thẻ căn cước công dân (12 số)?

– Mục 4 trong phiếu ĐKDT dành 12 ô để điền số CMND hoặc thẻ căn cước công dân. Trường hợp thẻ căn cước công dân hoặc CMND có 12 số, các em điền bình thường; trường hợp CMND chỉ có 9 số, thí sinh điền vào 9 ô bên phải và để trống 3 ô bên trái.

* Đối với những đối tượng ưu tiên, cần điền thông tin vào phiếu ĐKDT ra sao?

– Chế độ ưu tiên trong xét công nhận tốt nghiệp THPT bao gồm:

– Diện ưu tiên: diện 1 là những thí sinh bình thường, không được cộng điểm ưu tiên; thí sinh diện 2 được cộng 0,25 điểm, và diện 3 được cộng 0,5 điểm.

– Điểm khuyến khích được cộng cho thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và chứng chỉ nghề, đoạt giải cá nhân, tập thể trong các kỳ thi quốc tế, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Điều 36 quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định chi tiết về diện ưu tiên và mức cộng điểm khuyến khích. Khi đăng ký xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh cần điền thông tin về chế độ ưu tiên (diện ưu tiên và điểm khuyến khích) ở mục 11 và 12 trong phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.

– Chế độ ưu tiên trong xét tuyển gồm ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng được quy định cụ thể tại điều 7 quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Khi đăng ký dự thi, thí sinh điền thông tin về chế độ ưu tiên trong xét tuyển vào mục 17 và mục 18 trong phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

TTO