Quy chế tuyển sinh 2022 đã đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức điểm 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên.
Bộ GD-ĐT vừa công bố Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Theo đó, có 8 điểm mới và điểm quan trọng nhất là việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT cho biết, Quy chế tuyển sinh có tác động lớn đến hệ thống bởi có nhiều đối tượng tham gia, có liên quan đến hàng triệu gia đình và thí sinh, nên luôn được dư luận quan tâm.
Khi mà có sự thay đổi liên quan đến quyền lợi của nhóm đối tượng này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhóm đối tượng khác hoặc ngược lại thì dù việc thay đổi theo hướng tích cực chung cho cả hệ thống, hoặc thậm chí có thay đổi nhỏ cũng có thể dẫn đến các ý kiến trái chiều. Vì vậy, các điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh (nếu có) thì đều nhằm hướng tới đảm bảo tối đa sự công bằng, bình đẳng giữa các thí sinh, giữa các nhóm thí sinh và đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng được đưa vào trong Quy chế tuyển sinh này.
Khắc phục tình trạng thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học
Vậy quy định cộng điểm ưu tiên mà Quy chế đưa ra, đây có phải là giải pháp tối ưu không? vì sao lại 22,5 điểm trở lên mà không phải là mức điểm khác?
– Điểm ưu tiên của thí sinh bao gồm điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng; thí sinh sẽ được cộng thêm điểm này để thành điểm xét tuyển; từ trước đến nay mức điểm ưu tiên này được giữ ổn định tại các mức điểm xét tuyển của thí sinh, vì vậy nếu thí sinh xét tuyển bằng 3 môn thi tốt nghiệp THPT sau khi cộng điểm ưu tiên xảy ra hiện tượng có thí sinh có điểm xét tuyển lớn hơn 30 điểm.
Ngoài ra, nhóm thí sinh có điểm thi cao top đầu mà không được cộng điểm ưu tiên lại bị yếu thế, bị ảnh hưởng quyền lợi rất lớn khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu. Có thể nói đây là điều mất công bằng mà xã hội và báo chí, thí sinh, phụ huynh đã phản ứng mạnh mẽ khi thí sinh đạt 30 điểm tối đa mà vẫn không thể trúng tuyển; điều này đặc biệt mất công bằng nhất là đối với các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao,…
Qua phân tích kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (mức 22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường), cụ thể:
Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3); nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.
Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy điều này gây ra bất bình đẳng giữa 2 nhóm đối tượng trên;
Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Thống kê cũng cho thấy, có nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì lại có rất ít thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.
Để khắc phục bất cập này, Quy chế tuyển sinh 2022 đã đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức điểm 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên nữa.
Việc áp dụng này không chỉ đối với các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với cả các phương thức xét tuyển khác, cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp
Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, không xáo trộn đột ngột, Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023.
Các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm
Quy chế tuyển sinh mới có tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường trong tuyển sinh không thưa bà?
Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học; tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng quy định cụ thể quy trình tổ chức xét tuyển đợt 1. Với mục tiêu trên, Quy chế tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh mới đã đưa vào một số nội dung.
Theo đó, thí sinh được đăng ký xét tuyển trực tuyến và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT và không giới hạn số lần thay đổi nguyện vọng. Thay đổi này được đánh giá là tiện lợi hơn cho thí sinh, giúp các em có đủ thông tin, tham số, từ kết quả tốt nghiệp đến việc tìm hiểu kỹ các ngành, trường để sắp xếp thứ tự nguyện vọng, tránh phải điều chỉnh, tốn thời gian và chi phí.
Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch chung.
Các thí sinh có bị hạn chế số lượng nguyện vọng không?
– Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Từ năm 2022, các trường cũng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ GDĐT, mà chỉ công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc này giúp làm tăng cơ hội để thí sinh có thể được xét trúng tuyển và nhập học vào các trường, ngành học mà thí sinh mong muốn và ưu tiên nhất.
Để có thể lọc ảo được tất cả các phương thức xét tuyển, thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm, sơ tuyển… vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất. Việc đăng ký tất cả nguyện vọng bằng mọi phương thức lên hệ thống được cho là sẽ giúp giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, giúp các trường ra được quyết định tuyển sinh chính xác hơn.
Thí sinh diện xét tuyển thẳng nộp hồ sơ xét tuyển tại trường, mà không phải nộp tại sở giáo dục và đào tạo như các năm trước; việc này giúp cho thí sinh chủ động hơn, các trường cũng sớm tiếp cận được hồ sơ. Thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm khi đủ điều kiện hoặc theo kế hoạch chung như những thí sinh khác.
Thí sinh xác định nhập học trên hệ thống, việc này làm giảm các thủ tục hành chính, thí sinh không phải đi lại, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như các năm vừa qua.
Quy chế tuyển sinh cũng quy định các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra và bổ sung, cập nhật thông tin cá nhân, dữ liệu kết quả học tập cấp THPT của thí sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Các trường có thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả học tập bậc THPT có thể tải dữ liệu trên hệ thống để xét tuyển mà không phải yêu cầu thí sinh nộp tại trường, từ đó giảm phiền hà, tốn kém cho thí sinh và xã hội; các trường THPT cũng giảm thủ tục hành chính, không phải sao chép, công chứng học bạ cho thí sinh.
Trân trọng cám ơn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy!
Theo Báo Dân Trí