Bộ GD-ĐT nói về ‘cơn lốc’ điểm 10

0
1849

Trước ‘cơn lốc’ điểm 10 sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia của 63 tỉnh, thành, chiều 6.7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã giải thích về tình hình này.

Theo thống kê sơ bộ, số bài thi đạt điểm 10 năm nay tăng vọt so với năm ngoái. Có người cho rằng đề thi dễ, người thì nghi ngờ về tính nghiêm túc trong khâu coi thi ở các địa phương. Ý kiến của ông như thế nào về những nhận định này?
– Số bài thi đạt điểm 10 tăng cao hoàn toàn không có nghĩa là do khâu coi thi không nghiêm túc. Hoặc muốn đánh giá về độ khó – dễ của đề thi thì cũng phải chờ khi có phổ điểm tổng thể sẽ được Bộ công bố trong vài ngày tới. Phổ điểm có tốt hay không rất dễ dàng nhận ra. Ví dụ, phổ điểm phân bố về phía điểm cao (8, 9, 10) vọt lên thì rõ ràng là rất vô lý và có thể nói đề thi quá dễ, ai cũng làm được; nhưng nếu phổ điểm phân bố theo hình chuông, tập trung nhiều nhất ở mức điểm trung bình, số điểm quá cao và quá thấp (điểm liệt) cũng nằm đều ở hai phía thì việc phân bố đó là hết sức bình thường.
Cho nên việc đánh giá chất lượng làm bài của thí sinh (TS), đánh giá về đề thi thì phải nhìn vào phổ điểm tổng thể mới đánh giá được. Nếu chỉ lọc ra bao nhiêu em đạt điểm 10, bao nhiêu em điểm liệt để đánh giá ngay rằng đề thi hay coi thi “có vấn đề” thì hết sức phiến diện. Nếu các em thực sự giỏi, trong vòng một phút mà trả lời được một câu hỏi và câu hỏi nào cũng trả lời đúng, kể cả những câu hỏi rất khó thì rõ ràng là các em rất xứng đáng. Việc coi thi, chấm thi đến giờ phút này Bộ đánh giá là rất nghiêm túc. Việc chấm kiểm định được thực hiện ở tất cả các bài thi trắc nghiệm.
Thưa ông, trước đó Bộ vẫn khẳng định là đề thi năm nay phân hóa rất tốt, có những câu hỏi rất khó mà chỉ những TS xuất sắc mới làm được. Tuy nhiên, việc có tới hàng ngàn điểm 10 như vậy thì liệu việc phân hóa của đề thi có đạt yêu cầu không?
– Đề thi trắc nghiệm khách quan năm nay được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, ma trận đề thi được xây dựng đảm bảo trong đó nhiều câu hỏi phân bổ thành từng nhóm các câu hỏi – có thể hình dung như từng ô – từ dễ, trung bình, khó, rất khó trong ngân hàng đề thi và mỗi đề thi sẽ chọn từ các câu hỏi của từng ô ấy, sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Do vậy, dư luận không nên quá bận tâm vào số lượng điểm 9, điểm 10. Sẽ không có ý nghĩa gì khi so sánh số lượng điểm 10 năm nay với năm ngoái khi 2 cách thi khác nhau.
Tuy nhiên, các môn như lý, hóa, sinh, ngoại ngữ… các năm trước cũng đều đã thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng tại sao cùng một hình thức thi mà điểm năm nay ở chính những môn này lại cao hơn?
– Những năm trước đề thi trắc nghiệm chưa phải đạt được đến yêu cầu chuẩn hóa giống như năm nay. Năm nay là năm đầu tiên làm đề thi chuẩn hóa nên có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn. Trước kia chúng ta chưa lấy các câu hỏi để làm đề thi trắc nghiệm từ một ngân hàng câu hỏi nên chưa bao quát được toàn bộ chương trình như năm nay. Vì vậy, khi có phổ điểm, chúng ta sẽ thấy phổ điểm phân bố đều hơn.
Với môn thi tự luận duy nhất năm nay là môn ngữ văn thì thống kê sơ bộ của nhiều tỉnh cũng cho thấy số bài thi đạt mức điểm trung bình cao hơn nhiều so với năm ngoái. Liệu đây có là một yếu tố để Bộ xem xét lại tính khách quan của việc ra đề hoặc coi thi, chấm thi không?
– Tôi cho rằng số lượng bài thi đạt điểm trung bình trở lên ngày càng tăng thì cũng là phù hợp khi mà học sinh và các trường ngày càng nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng học sinh ngày càng tốt hơn. Ví dụ nếu như thời còn thi “3 chung”, mức điểm trung bình nhiều thí sinh đạt được nhất từ 2 – 2,5 điểm rồi lên 4 điểm, mấy năm gần đây là lên 5 điểm nên nếu năm nay lại tiếp tục tăng thì cũng là điều bình thường. Hơn nữa đề thi 2 mục đích cũng khác so với đề thi chỉ để phân loại, tuyển sinh nên nếu so sánh thì cũng rất khó.
Thanh Niên