Bộ GD&ĐT nói gì về thí sinh trượt nguyện vọng vì bị “mất chỗ”?

0
4070
Mỗi năm như vậy có khoảng gần 460.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Số thí sinh tăng điểm từ sai phạm không nhiều so với mặt bằng chung. Về mặt lý thuyết, vẫn có một tỷ lệ nào đấy gọi là mất chỗ của các em nhưng thực tiễn là không nhiều”, trên đây là chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về việc “trả” điểm thi thật cho thí sinh tại một số địa phương để xét tuyển.

Đã có lời khai và danh sách đối tượng sai phạm

Thưa ông Mai Văn Trinh, hiện nhiều thí sinh đang lo lắng vì đã xét tuyển ĐH, CĐ. Vậy, Bộ GD&ĐT đang làm gì để trả điểm thật cho thí sinh ở một số tỉnh có gian lận?

Ở Sơn La và Hòa Bình, các đối tượng gian lận đã sửa trực tiếp vào bài thi trước khi đưa vào máy quét nên tạm thời công nhận kết quả này.

Hiện chúng ta đang trong quá trình điều tra, các đối tượng đã có các lời khai và danh sách đối tượng sai phạm cũng đã có nhưng phải căn cứ vào pháp luật để xử lý.

Ngoài ra, chúng tôi đã sử dụng các công nghệ cao để phát hiện gian lận nên các phụ huynh và học sinh yên tâm bởi hai bộ trưởng Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã có sự quyết tâm cao nhất cả về công nghệ lẫn con người để xác minh.

Việc nhiều thí sinh ở các tỉnh gian lận điểm thi đỗ cao vào các trường ĐH, CĐ có thể làm mất cơ hội của một số thí sinh “học thật, thi thật”. Vậy các em “thi thật” liệu có còn cơ hội không, thưa ông?

Mỗi năm như vậy có khoảng gần 460.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Số thí sinh tăng điểm từ sai phạm không nhiều so với mặt bằng chung. Về mặt lý thuyết, vẫn có một tỷ lệ nào đấy gọi là mất chỗ của các em nhưng thực tiễn là không nhiều.

Vấn đề thứ hai, việc tuyển sinh thuộc về các trường đại học. Nếu câu chuyện này xảy ra, các trường đại học sẽ có ý kiến, trực tiếp trao đổi với Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan như Bộ Công an.

Vừa rồi, chúng ta có nói thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La đạt kết quả vào các trường. Nếu kết quả đó là của chính các con thì hãy tự hào và tin tưởng, trong tương lai sẽ khẳng định các con là con người như thế nào.

Rà soát toàn bộ quy trình sau kì thi 2018

Qua những bất cập, gian lận của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, kỳ thi THPT quốc gia 2019 Bộ GD&ĐT đã có những kế hoạch gì để kỳ thi trong sạch hơn?

Thứ nhất, chúng ta đang trong lộ trình, con đường để hoàn thiện hình thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh cao đẳng, đại học theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Chúng ta cũng đang trong bước chuẩn bị thực hiện chương trình SGK mới với mục tiêu rõ ràng, đó là hình thành phân cấp và năng lực, kéo theo đó là các hoạt động kiểm tra, đánh giá. Kỳ thi THPT quốc gia cũng thuộc trong bước chuyển đó.

Thứ hai chúng ta cũng cần khẳng định, nếu so sánh với trước đây thì kỳ thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp. Không có môt phương án thi nào hoàn hảo 100% nhất là trong các điều kiện cụ thể.

Thứ ba, những mặt hạn chế chúng ta đều đã nhìn thấy và phải nghiêm túc, quyết tâm sửa đổi. Có những quốc gia mất 70-80 năm để hoàn thiện hình thức thi.

Về đề thi, chúng ta cần tiếp tục làm giàu ngân hàng câu hỏi, tăng số lượng, chất lượng để phù hợp với tính chất của kỳ thi.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các giải pháp kĩ thuật hoàn thiện?

Các giải pháp về mặt kỹ thuật cần tiếp tục hoàn thiện, tăng cường bảo mật, làm sao để hạn chế nguy cơ bị lợi dụng dẫn đến sai phạm.

Ngoài ra, công tác phân cấp, kiểm tra, giám sát, thanh tra cần thực hiện kỹ càng hơn nữa. Tất cả những khâu như đề thi, coi thi, lưu trữ bài thi, chấm thi, chúng ta phải đẩy lên một bước.

Về tổng thể, đây cũng là dịp chúng ta cần rà soát toàn bộ lại quy trình, quy chế, kỹ thuật để hoàn thiện kỳ thi với tinh thần và quy chế nghiêm túc.

Tôi mong người dân sẽ biết được tinh thần này tạo nên hứng khởi khi bước vào năm học mới sắp tới. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ hoàn thiện hơn năm 2018.

Hiện Bộ GD&ĐT có những kế hoạch dài hơi như thế nào về đề thi THPT quốc gia?

Tất nhiên chúng ta phải có kế hoạch dài hơi về đề thi. Tuy nhiên cách nói kỳ thi “hai trong một” không phản ánh đầy đủ.

Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi để đo lường, đánh giá chất lượng của học sinh sau 12 năm học. Đây không phải một kỳ thi tốt nghiệp, không phải kỳ thi đại học mà kết quả này sẽ để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Xa hơn nữa, qua kết quả này, chúng ta sẽ có những phân tích để có những hoạch định điều chỉnh quá trình dạy và học chuyển từ hướng chú trọng kiến thức sang đánh giá năng lực sao cho sớm đi vào thực tiễn giáo dục của chúng ta.

Để thực hiện điều đó quá trình thực hiện đề thi sẽ rất khó khăn. Sắp tới chúng ta sẽ có những cách làm linh hoạt hơn để huy động được trí tuệ quốc gia.

Theo Dantri