Thí sinh ồ ạt chọn thi các môn khoa học xã hội không nên có suy nghĩ đơn thuần là dễ đỗ tốt nghiệp THPT hay vào được đại học…
Nếu như những kỳ thi THPT Quốc gia ở các năm trước, thí sinh lựa chọn các môn Khoa học xã hội (KHXH) rất thấp thì năm nay, theo số liệu cập nhật hàng ngày của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký chọn bài thi tổ hợp môn KHXH bất ngờ tăng mạnh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối ngày 19/4, tỷ lệ chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) là 317.817 (chiếm 37,72%). Tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH là 411.562 (chiếm 48,85%). Đây là năm tỷ lệ học sinh đăng ký thi các môn KHXH tăng mạnh nhất từ trước tới nay.
Ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết, nếu như năm 2016, trường có dưới 30 học sinh đăng ký môn Lịch sử ở kỳ thi THPT Quốc gia thì năm nay, nhà trường có gần 200 học sinh đăng ký tổ hợp môn KHXH.
Nếu như những năm trước đây, học sinh thi từng môn KHXH với thời gian 180 phút theo hình thức tự luận thì năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hình thức bài thi KHXH theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được ra trong thời gian chỉ 50 phút thì học sinh cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ cũng lấy điểm các bài thi KHXH để xét tuyển thí sinh vào trường. Đây là những nguyên nhân khiến học sinh chọn thi các môn KHXH tăng mạnh
Còn với trường THPT Marie Curie, Hà Nội, số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp KHXH chiếm 2/3 học sinh đăng ký thi THPT Quốc gia.
Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội cho biết, chỉ qua đợt khảo sát thi THPT ở Hà Nội vừa qua cho thấy, việc thi các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm dễ làm bài và đạt điểm cao hơn là làm các bài thi Toán, Lý, Hóa. Có thể với hình thức thi này, số lượng thí sinh đăng ký bài thi KHXH tăng mạnh vì các em cho rằng dễ đỗ tốt nghiệp THPT hơn.
Sự lựa chọn để dễ đỗ hay vì yêu thích thực sự?
“Qua việc thí sinh bất ngờ lựa chọn bài thi KHXH tăng vọt đã cho thấy, sự lựa chọn của học sinh chủ yếu là vì dễ đạt điểm để đỗ tốt nghiệp THPT chứ chưa hẳn là vì sự yêu thích thực sự”- ông Nguyễn Xuân Khang nói.
Việc thí sinh đăng ký bài thi KHXH tăng vọt cũng khiến chúng ta cần nhìn nhận lại cách thức dạy, học tập, thi cử cũng như chương trình giáo dục các môn KHXH. Chẳng hạn như việc giảng dạy môn Lịch sử hiện vẫn theo hướng tuyên truyền về chính trị chứ chưa thuần túy là nói về khoa học Lịch sử. Nhiều sự kiện còn nặng nề về kiến thức, ngày tháng, con số. Vì thế, việc tổ chức giảng dạy như thế nào để học sinh thực sự yêu thích môn học KHXH, tham gia thi cử và để lấy đó làm căn cứ chọn lựa ngành nghề trong tương lai phù hợp với khả năng của mình mới là điều quan trọng nhất.
Còn ông Đoàn Minh Châu cho rằng, trong số thí sinh lựa chọn các môn KHXH, có em chọn lựa vì sự đam mê yêu thích các môn học này để xác định nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều em lựa chọn vì cho rằng dễ đỗ tốt nghiệp THPT hay ĐH, CĐ.
Thực tế cho thấy, số lượng sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm theo đúng ngành nghề học KHXH không phải là nhiều. Chúng ta chưa thể phân tích hết hiện tượng học sinh bất ngờ chọn thi các môn KHXH tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng phải lường trước khả năng sự lựa chọn của học sinh chỉ để dễ đỗ tốt nghiệp THPT hay vào được ĐH có thể dẫn tới dư thừa số lượng nguồn nhân lực đối với các ngành KHXH và khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Theo ông Đoàn Minh Châu, sau khi biết điểm thi THPT, thí sinh còn một cơ hội thay đổi nguyện vọng nữa nên rất cần phải cân nhắc kỹ chọn lựa tổ hợp môn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và ngành nghề phù hợp với đúng sở thích, năng lực và khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai của mình./.
VOV