Ông Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm nay là năm đầu tiên trường tuyển sinh trình độ đại học ở lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Điểm đầu vào của ngành này là 27 điểm, thuộc top 0,5% những thí sinh đạt kết quả cao khối A toàn quốc.
Không nằm ngoài cuộc trong xu thế chung của cuộc cách mạng 4.0, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với lĩnh vực này. Trong khuôn khổ ngày hội Trí tuệ nhân tạo, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về những cơ hội, khó khăn khi đào tạo nhân lực cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI.
– Là một trong những đơn vị đào tạo về trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đang có những chương trình như thế nào để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này?
Lĩnh vực AI là lĩnh vực hết sức quan trọng, dù không phải mới nhưng đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây, bởi khả năng tính toán của máy tính có thể hiện thực hoá được những thuật toán phức tạp mà trước kia không thực hiện được.
Để đào tạo tốt, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giảng viên, những nhà khoa học nghiên cứu sâu về vấn đề này. Thứ hai, trường cũng được trang bị hệ thống trang thiết bị, máy tính hiệu năng cao để thực hiện nghiên cứu và đào tạo sinh viên. Thứ ba, trường đã xây dựng chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Năm nay là năm đầu tiên trường tuyển sinh trình độ đại học ở lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Việc đào tạo thạc sĩ đã thực hiện vài năm nay nhưng trình độ cử nhân là năm đầu tiên. Điểm đầu vào của ngành này là 27 điểm, thuộc top 0,5% những thí sinh đạt kết quả cao khối A toàn quốc. Đây là một sự chuẩn bị tốt để đào tạo sinh viên.
Việc đào tạo lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại trường đang gặp phải những khó khăn như thế nào?
Để đào tạo AI tốt, phải có đội ngũ đào tạo tốt, hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị tốt, chương trình đào tạo, tài liệu học tập hiện nay vẫn có hướng tiếp cận đơn giản. Đội ngũ cán bộ cũng không thể phát triển nhanh được. Chúng ta cần những chuyên gia, nghiên cứu sinh, tiến sĩ chuyên sâu về lĩnh vực thuật toán và công nghệ thông tin. Thêm nữa, chúng ta cần hệ thống phòng thí nghiệm liên quan đến máy tính hiệu năng cao, ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau sẽ đòi hỏi những trang thiết bị đặc thù khác nhau.
– Nhà trường sắp tới có định hướng đào tạo như thế nào để có thế hệ nhân lực tốt trong lĩnh vực AI?
Trường đã đưa ra các chương trình đào tạo mới, nhưng quan trọng nhất là không chỉ phát triển AI lõi, Bách Khoa Hà Nội đã hình thành nhóm để xây dựng lõi của AI nhưng trường muốn hướng tới phát triển và ứng dụng AI trong một số lĩnh vực chiến lược như giao thông, giáo dục, y tế, nông nghiệp…
Trường đã xây dựng chương trình gắn với nghiên cứu và đào tạo để sinh viên tham gia và nghiên cứu, học tập từ những năm đầu.
Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có một đội ngũ sinh viên ra trường thành công trong lĩnh vực này, vì thế chúng tôi có sự ký kết chặt chẽ với các tập đoàn để gắn kết thực tế cho sinh viên trong quá trình học, cũng như nghiên cứu. Sự hỗ trợ của doanh nghiệp cho sinh viên là môi trường thực tập cũng như học bổng.