Lo ngại gian lận thi cử, tại Hội nghị trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi.
Vượt qua kiểm soát của người làm công tác thi
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi tốt nghiệp THPT.
Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để giám sát, ghi nhận chứng cứ tiêu cực khi diễn ra thi và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý.
Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét bỏ quy định này vì khó kiểm soát khi quản lý các thiết bị.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng, thực tế các năm vừa qua, thí sinh lợi dụng quy định này của Bộ GD-ĐT để mang các thiết bị tinh vi vào phòng thi rất nhiều, vượt qua cả sự kiểm soát của cán bộ làm thi. Do đó, ông đề xuất Bộ GD-ĐT bỏ quy định này để hạn chế gian lận.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu cũng cho hay, nếu thí sinh vào phòng thi chỉ tập trung vào làm bài, việc mang thiết bị ghi âm ghi hình vào là không cần thiết.
“Nếu thí sinh không có nhu cầu, không nhất thiết mang các vật dụng này vào phòng thi. Đặc biệt vài năm nay, tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, do đó Bộ GD-ĐT có thể điều chỉnh quy chế, xem xét thí sinh có cần thiết mang các thiết bị ấy vào phòng thi hay không”, ông Tuấn nói.
Cũng dưới góc nhìn này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nói, quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp gây khó khăn cho công tác an toàn của kỳ thi.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị, năm sau Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định này vì nó không phục vụ cho việc làm bài thi và cán bộ làm công tác thi rất khó kiểm soát các thiết bị thí sinh mang vào, trong đó có thể tiềm ẩn những thiết bị có thể gian lận thi cử.
Thí sinh có quyền giám sát kỳ thi
Đề cập tới vấn đề này, trong một lần trả lời PV Dân trí, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong thời đại Công nghệ thông tin phát triển vũ bão như hiện nay, nhiều cán bộ coi thi khó có thể kiểm soát và phát hiện được tất cả các thiết bị hiện đại mà thí sinh được phép mang vào phòng thi nên gian lận thi cử vẫn còn “đất sống”.
Theo ông Phạm Tất Dong, để ngăn chặn gian lận trong khi làm bài thi, đòi hỏi việc ra đề phải làm sao để thí sinh nghĩ rằng, dù có mang bất cứ thiết bị vào phòng thi chăng nữa, cũng không thể làm gì được.
Tại Hội nghị về công tác thi tốt nghiệp THPT 2022 ngày 8/6, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công An (A05) kiến nghị, tất cả các thiết bị ghi âm ghi hình đều không được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2022.
Ông nêu dẫn chứng, các thiết bị như “camera cúc áo”, “tai nghe hạt đậu” đều không có chức năng liên hệ trực tiếp với bên ngoài, mà phải qua thiết bị trung gian.
Nếu cho phép thí sinh mang thiết bị không kết nối vào, việc đánh giá thế nào là thiết bị có kết nối hay không kết nối sẽ rất khó khăn.
Thậm chí, ngay cả lực lượng công an cũng có thể phải triển khai thiết bị chuyên dụng mới đánh giá được một thiết bị có chức năng phát sóng hay không.
Chưa kể, một số thiết bị ban đầu không có chức năng phát sóng, nhưng tội phạm lại dễ dàng tích hợp các phần mềm phát sóng, như vậy không thể kiểm soát được.
“Do đó, chúng tôi đề xuất tất cả các thiết bị ghi âm ghi hình đều không được mang vào phòng thi”, Thiếu tướng Mạnh nêu ý kiến.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, sở dĩ đưa quy định trên vào quy chế thi vì đó là quyền của người học. Các thí sinh có quyền giám sát kỳ thi.
“Nếu nói rằng đưa thiết bị này vào cũng không ảnh hưởng gì thì ko sao, vấn đề người làm công tác thi phải tăng cường kiểm tra kiểm soát”, ông Độ nói.
Phụ trách công tác thanh tra kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định, an toàn an ninh kỳ thi là yêu cầu cao nhất.
Trong đó, năm yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của kỳ thi mà Thứ trưởng này đưa ra: Công tác chỉ đạo, phân công phân nhiệm rõ ràng; công tác phối hợp nhịp nhàng; công tác chế độ thông tin báo cáo và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền; công tác chuẩn bị kỹ lưỡng; công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng tính chất kỳ thi.
Theo Báo Dân Trí