Điểm chuẩn đại học có thể tăng nhẹ với khối D,A1, sẽ giảm ở khối A,B

0
1190

Năm 2021 những ngành xét tuyển hoàn toàn bằng khối D, A1 (những khối thi có Toán, Anh) thì điểm chuẩn có thể tăng nhẹ. Những ngành/trường chỉ xét tuyển bằng khối A hoặc B thì điểm chuẩn có thể giảm.

Trải qua 2 mùa thi giữa đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định đề thi có độ phân hóa thấp dẫn đến việc điểm chuẩn của nhiều trường ở ngưỡng cao, nhiều ngành học “hot” sẽ tăng nhẹ.

Điểm chuẩn đại học có thể tăng nhẹ với  khối D,A1, sẽ giảm ở khối A,B  - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Phổ điểm có thể tăng hơn năm trước

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, dựa trên kinh nghiệm quan sát đề thi Tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020, có thể dự đoán đề thi đợt 2 của năm 2021 diễn ra trong bối cảnh phức tạp hơn rất nhiều của dịch Covid, sẽ có ít nhất hai điểm thuận lợi như sau:

Với kiểu dạng bài, câu hỏi tương tự như đề thi đợt 1, thí sinh thi đợt 2 có thể rút kinh nghiệm cho kì thi của mình, bớt cảm giác bất ngờ, lo lắng; hai là độ phân hóa của đề thi đợt 2 nhiều khả năng tương đương với đợt 1 và sẽ không làm khó thí sinh. Với mức độ đề thi như vậy, cô Tuyết dự đoán phổ điểm của phần lớn các môn có thể từ 7,5 tới 8,5 điểm.

Cụ thể, đề thi Ngữ văn trong kì thi Tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 đã cho thấy đề thi vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn.

Căn cứ vào thực tiễn đề thi và dự đoán phổ điểm, cô Tuyết nhận định điểm chuẩn đại học năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm 2020. Tuy nhiên, nếu điểm chuẩn có tăng thì cũng sẽ chỉ tăng ở mức nhẹ trong khoảng 0,5 – 1,0 điểm đối với một số tổ hợp có chứa các môn Toán – Văn – Anh.

Về vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích thêm: Nhiều thầy cô giáo giàu kinh nghiệm đã đánh giá kỹ lưỡng sự phân hóa đề thi và cho biết đề Toán – Văn – Anh dễ hơn năm ngoái nhưng đề Lý – Hóa – Sinh thì khó hơn.

Vì vậy, năm 2021 những ngành xét tuyển hoàn toàn bằng khối D, A1 (những khối thi có Toán, Anh) thì điểm chuẩn có thể tăng nhẹ. Những ngành/trường chỉ xét tuyển bằng khối A hoặc B thì điểm chuẩn có thể giảm.

Còn những ngành mà trong các tổ hợp xét tuyển có cả khối D, A1, A… thì điểm chuẩn có thể giảm ít hơn, vì các trường vẫn sẽ dùng 1 mức điểm chuẩn chung cho tất cả các khối. Riêng đối với những ngành quá hot, có thể điểm chuẩn vẫn tăng.

Ngoài ra, theo thầy Ngọc, điểm chuẩn đại học của năm 2020 rất cao, thậm chí rất nhiều ngành/trường đã lấy điểm chuẩn ở mức kỷ lục trong lịch sử trường mình. Ví dụ như năm 2020, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có mức điểm chuẩn thấp nhất là 22,5, cao nhất là 29,04 điểm.

Trường Đại học Y Hà Nội, có điểm chuẩn thấp nhất là 22,4, cao nhất là 28.9 điểm. Ở phía Nam, trường Đại học Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 và cao nhất là 28 điểm. Như vậy, chuyện tăng điểm năm nay có thể xảy ra nhưng sẽ tập trung ở các trường top, ngành hot.

Lộ trình học tập cụ thể cho học sinh 2004 ngay từ bây giờ

Rút kinh nghiệm từ 2 mùa thi tốt nghiệp THPT giữa đại dịch với nhiều biến động và điểm chuẩn đại học nằm ở ngưỡng cao, học sinh 2004 nên xây dựng lộ trình học hợp lý ngay từ sớm để sẵn sàng thích nghi với những thay đổi trong năm học cuối cấp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, đề thi dễ hay khó không mang lại lợi ích gì cho các em, quan trọng là các em sẽ đứng ở đâu, đạt bao nhiêu điểm để đỗ vào trường mà các em mong muốn. Do đó ở thời điểm hiện tại các em cần kỹ thuật hóa việc học của bản thân, trong giai đoạn nào, học phần nào, xử lý vấn đề như thế nào.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi các hình thức học và thi cử là rất khó lường, học sinh nên học tập theo chiến thuật “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức là tập trung học trước và học nhanh những kiến thức “bất biến”, cốt lõi trong chương trình lớp 12.

Dù là các em thi vào trường đại học nào và dưới hình thức nào thì những kiến thức cơ bản, nền tảng đều sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong đề thi. Sau khi học xong nội dung nền tảng rồi thì mới học các nội dung nâng cao và các điểm khác biệt theo yêu cầu của trường đại học và của hình thức thi mà em chọn”, Tiến sĩ Nam phân tích.

Đối với môn Vật lý thầy Nam đưa ra lộ trình học tập cho học sinh 2004 như sau: Dành 7 – 8 tháng (từ nay đến tháng 1, 2/2022) để học và phủ toàn bộ kiến thức cơ bản một cách sâu và chắc nhất. Trước kì thi 4 – 5 tháng, các bạn căn cứ vào tổ hợp, phương thức xét tuyển mong muốn để lựa chọn hoặc là tiếp tục ôn tập các dạng kiến thức vận dụng cao, luyện dạng bài khó hoặc điều chỉnh ôn tập theo bài thi riêng của các trường mà em đã lựa chọn.

Đối với môn Ngữ văn, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết đã có một số lưu ý về các mốc thời gian, giai đoạn ôn luyện phù hợp cho học sinh 2004, như sau: Từ tháng 6/2021, các em nên học các bài giảng văn phần Văn học Việt Nam hiện đại của lớp 11 & 12. Từ tháng 01/2022, các em chú ý luyện đề theo mẫu đề thi quốc gia và từ tháng 04/2022, các em nên học chuyên đề tổng hợp.

Bên cạnh việc trang bị kiến thức, học sinh 2004 cần phải lưu ý đến những thông tin về tuyển sinh từ các trường đại học mà bản thân có nguyện vọng ứng tuyển để kịp thời cập nhật về các phương thức xét tuyển, điểm chuẩn. Từ đó, điều chỉnh lộ trình học tập để phù hợp với mục tiêu điểm số của ngôi trường mà các em hướng đến.