Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp áp dụng cho kỳ thi năm 2019, trong đó khẳng định nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu chương trình lớp 12. Đây là cơ sở quan trọng để học sinh ôn tập.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi nhằm mục đích lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm cơ sở tuyển sinh ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Trường ĐH chủ trì khâu chấm trắc nghiệm
Theo thông tư sửa đổi này, năm nay Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH-CĐ chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Trường ĐH-CĐ được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cử người đúng thành phần quy định để thành lập Ban chấm thi trắc nghiệm. Người có nhân thân dự thi trong năm tổ chức thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương nơi thí sinh đó dự thi.
Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn, tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cho chấm thi trắc nghiệm.
Thông tư quy định rõ, các thành viên của Ban chấm thi trắc nghiệm, các thành viên tổ giám sát và người đang thi hành nhiệm vụ liên quan không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác theo quy định vào phòng chấm thi; không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ hình thức nào hay bất kỳ lý do gì. Trong công tác phối hợp chung, theo điều động của Bộ GD-ĐT, sẽ thành lập đoàn cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi tại các hội đồng thi ở các địa phương. Kinh phí cho cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ được Bộ GD-ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức thi, coi thi, chấm thi và các công tác liên quan khác do địa phương chi trả theo quy định hiện hành.
Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 diễn ra tại TP.HCM mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh, kỳ thi năm nay vai trò của các trường ĐH được nâng lên một bước nữa, khâu chấm thi trắc nghiệm giao cho các trường. Việc chấm thi này theo nguyên tắc một trường có thể chấm nhiều địa phương.
Bài thi được bảo quản trong tủ riêng biệt
Năm nay, khâu bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi cũng hết sức được chú ý. Theo quy định, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi là người của trường ĐH, CĐ phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong; đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian và lý do mở, tình trạng niêm phong (biên bản phải có đủ họ – tên, chữ ký của trưởng điểm thi và những người chứng kiến). Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi. Sau khi bàn giao xong, túi đựng bài thi, phiếu thu bài của từng phòng thi được thư ký của điểm thi cùng 2 cán bộ coi thi niêm phong tại chỗ.
Một trong những điều chỉnh nữa ở kỳ thi THPT quốc gia 2019 là thí sinh tự do, thí sinh GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh giáo dục THPT, tổ chức thi tại một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi được thực hiện theo quy định, không phân biệt thí sinh tự do, GDTX…