Những năm trở lại đây, nhiều trường đại học (ĐH) mở thêm ngành nghề đào tạo mới để đón đầu xu hướng 4.0. Theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký xét tuyển để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Điều quan trọng là thí sinh cần được tư vấn trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Nhìn vào thực tế hiện nay, nhóm ngành công nghệ sẽ dẫn đầu xu hướng như: công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu nano, năng lượng, logistics, kỹ thuật y sinh… Ngoài ra nhóm ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn; nhóm ngành thiết kế sáng tạo; nhóm ngành dinh dưỡng và ẩm thực; nhóm ngành điện tử, cơ khí, tự động hóa; nhóm ngành quản lý, quản trị, nhóm ngành công nghệ chế biến… được các chuyên gia phân tích là những ngành mà thị trường đang cần nhân lực chất lượng cao.
Trên thực tế, việc các trường mở chương trình mới, ngành đào tạo mới là xu hướng tích cực, tạo cơ hội cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn, nhất là trong điều kiện quyền đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được mở rộng. Đây là cơ hội tốt và xu hướng tích cực. Để có cơ sở lựa chọn ngành nghề mới của các trường, thí sinh có thể tìm hiểu trên mạng về các ngành nghề đó, hoặc trực tiếp vào các trang web của trường quốc tế mà cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam liên kết đào tạo để tìm hiểu. Trước mỗi mùa tuyển sinh, học sinh cần tìm hiểu ngành nghề đó có được xã hội tạo điều kiện để dễ dàng đạt được những thành tựu nhất khi đầu tư phát triển hay không… Điều cần lưu ý là không nên chọn ngành theo trào lưu, không ngộ nhận ngành mới hoặc tên ngành học “hot”, kẻo khó tìm việc sau khi học xong.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ ĐH hệ chính quy, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non hệ chính quy, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: Các trường ĐH- CĐ trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển.
Trước đó, theo quy định của Bộ GDĐT, từ năm 2018, các trường ĐH phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất trên website của trường.. mới được phép công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh. Tại hội nghị tuyển sinh thường niên, lãnh đạo Bộ GDĐT còn yêu cầu các trường phải công bố rõ học phí cả quá trình đào tạo, bởi người học rất cần biết thông tin này. Bên cạnh đó, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông cả điểm mạnh, điểm yếu…
Dẫu thế, vẫn còn đó những băn khoăn khi thời gian qua nhiều trường công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm không đúng với thực tế. Để từng bước nâng cao tính xác thực của kết quả khảo sát, Bộ GDĐT cần sớm có những điều chỉnh trong hướng dẫn, yêu cầu các trường trong việc triển khai khảo sát, công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng kể từ khi có quyết định công nhận tốt nghiệp. Làm tốt yêu cầu này, sẽ giúp việc chọn nghề, lựa nghiệp của người học thuận lợi hơn.
Theo Đại đoàn kết