Lập lại trật tự trong thi cử

0
2854

Cử tri TP Hồ Chí Minh đề nghị ngành Giáo dục cần chấn chỉnh và khắc phục tình trạng dạy và học theo thành tích, chỉ tiêu thi đua nhằm lập lại trật tự trong thi cử để đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; có giải pháp quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH.

Về giải pháp khắc phục tình trạng dạy và học theo thành tích, chỉ tiêu thi đua, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong toàn ngành về đổi mới hoạt động dạy học; không chạy theo điểm số, chỉ tiêu thi đua trong dạy học.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017.

Theo đó, các cơ sở giáo dục được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; tiếp tục tinh giản nội dung dạy học đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong dạy học.

Về giải pháp quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết:

Qua 4 năm thực hiện ổn định với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo từng năm, kỳ thi THPT quốc gia đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội; công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng diễn ra thuận lợi, phát huy ngày càng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo, mở ra nhiều hơn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cho thí sinh.

Bên cạnh đó, đã cung cấp thông tin phản hồi tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy, học từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; điều đó cho thấy đổi mới thi đã tác động đến tích cực đến đổi mới dạy và học.

Tuy nhiên, việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển đại học, cao đẳng hằng năm vẫn còn một số bất cập, cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện để kết quả thi đảm bảo tính khách quan, trung thực. Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La), gây bức xúc trong dư luận.

Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các thông tin phản ánh trong dư luận xã hội khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn; đồng thời, tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế. Kết quả của quá trình tổ chức thực hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre đã được thông tin rộng rãi cho toàn xã hội; kịp thời báo cáo Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT tích cực điều tra, xử lý các gian lận thi cử tại Hội đồng thi các tỉnh Sơn La, Hòa Bình để đảm bảo công bằng của kỳ thi cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 rà soát, đánh giá và hướng dẫn các địa phương xử lý; đồng thời nghiêm khắc phê bình và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh các địa phương xảy ra sai phạm và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện và ổn định Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng; khắc phục tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tổ chức tốt hơn Kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tiếp theo.

Ngày 04/12/2018, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 5480/BGDĐT-QLCL về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Cụ thể như sau:

Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, giảm thiểu các can thiệp trái phép.

Việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) tiếp tục do sở GD&ĐT chủ trì như năm 2018 nhưng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định của Bộ GD&ĐT tạo và của các trường đại học, cao đẳng.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy nhằm tăng cường các biện pháp để xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học.