Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có những lưu ý với thí sinh để không bị sai sót trong quá trình đăng ký dự thi và tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ.
Cân nhắc kỹ để tăng cơ hội
Hiện nay, các em đang làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các em để tránh những sai sót không đáng có và tăng cơ hội trúng tuyển cho các em?
Năm 2018 việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng cơ bản ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, có một số điểm các em cần lưu ý để tránh những sai sót.
Thứ nhất, khi đăng ký dự thi, các em cần lưu ý việc sử dụng giấy chứng minh nhân dân. Hiện nay, nhiều em có cả giấy Chứng minh nhân dân và Thẻ căn cước công dân. Nguyên tắc là các em chỉ sử dụng một trong hai giấy tờ trên. Đặc biệt là những em có sơ tuyển hoặc thi năng khiếu thì số chứng minh nhân dân càng cần phải được nhất quán.
Thứ hai, thí sinh cũng cần lưu ý kê khai về chế độ ưu tiên, đặc biệt là chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Các em tự kê khai và phần mềm sẽ kiểm tra, xác nhận. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm năm 2017, rất nhiều em khai không chính xác dẫn đến việc khi trường đại học kiểm tra hồ sơ thì các em không thuộc đối tượng được cộng điểm ưu tiên nên trượt đại học và không còn cơ hội để được vào học ngành tốt. Nguyên tắc là, nếu chắc chắn được ưu tiên thì các em khai vào, nếu chưa rõ thì có thể hỏi giáo viên hoặc hỏi Sở GD&ĐT. Sau khi xác định chính xác thì các em mới kê khai.
Thứ ba, năm nay việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng được đăng ký khi các em làm thủ tục đăng ký dự thi. Để các em có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học và đạt được mục đích, nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình thì các em tận dụng các quy định của Bộ GD&ĐT đã đưa ra. Cụ thể: Các em không hạn chế số nguyện vọng, nhưng thông thường các em nên chọn từ 6 – 8 nguyện vọng là tốt nhất.
Mặt khác, các em cũng cần hiểu nguyên tắc rằng, các nguyện vọng được xét bình đẳng với nhau. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Về nguyên tắc thì các em nên ưu tiên những ngành mình yêu thích hơn lên trên rồi lần lượt xếp theo thứ tự.
Cần tìm đến những nguồn thông tin chính thống
Hiện nay, rất nhiều thí sinh đang làm hồ sơ và căn cứ vào cuốn “Những điều cần biết” của Nhà Xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên, cuốn này có in thiếu thông tin của một số trường. Vậy việc này liệu có ảnh hưởng đến các thí sinh và các trường hay không?
Mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT không in cuốn “Những điều cần biết” và việc in đó là hoàn toàn do các nhà xuất bản làm. Tuy nhiên, Bộ vẫn cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến công tác đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng ở trên cổng thông tin điện tử của Bộ và trang sthituyensinh.vn.
Nếu vào trang này thì các em hoàn toàn có thông tin về các ngành, các trường cũng như quy định xét tuyển của từng trường, thậm chí có cả các thông tin về mã ngành, mã trường, mã quận, xã đặc biệt khó khăn… Tất cả đều có đầy đủ trên trang web này. Ngoài ra, các em cũng lưu ý, các thông tin chính thống là ở trang web của các trường. Song song với việc gửi Đề án tuyển sinh lên Bộ GD&ĐT, Bộ cũng yêu cầu các trường phải công bố công khai đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của nhà trường để mọi người được biết.
Một thực tế chúng ta có thể thấy là bấy lâu nay, các em vẫn thường hay sử dụng cuốn “Những điều cần biết” và coi đó là cẩm nang cho mình. Lý do là vì cuốn đó là do Nhà Xuất bản Giáo dục của Bộ GD&ĐT sản xuất. Vậy trước những thông tin chưa đầy đủ của cuốn “Những điều cần biết”, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Bản thân cuốn “Những điều cần biết” có những thiếu sót, chẳng hạn như năm ngoái sau khi nhiều thí sinh dùng thông tin đó để đăng ký dự thi nên không nhập được vào phần mềm. Bộ GD&ĐT đã cảnh báo về việc này; ngay trong các đợt tư vấn chúng tôi cũng đã nói rất rõ ràng là nguồn chính thống chỉ là của Bộ và của các trường để các em biết được.
Trên thực tế, một số tỉnh vùng khó khăn có thể sẽ hạn chế tiếp cận thông tin. Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi, qua triển khai phần mềm xét tuyển, chúng tôi đã đưa phần mềm đến các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Kết quả phần mềm đáp ứng được ở những vùng khó khăn.
Còn nhớ, năm ngoái, việc xét tuyển trực tuyến chúng ta đã làm được với gần 80% số học sinh đăng ký trực tuyến, trong đó có rất nhiều em ở vùng khó khăn. Đây là cơ sở để chúng tôi tin tưởng rằng, với nguồn thông tin của Bộ và của các trường trên trang điện tử thì các em hoàn toàn có thể tiếp cận được. Còn với thói quen của học sinh là xem cuốn cẩm nang “Những điều cần biết”, thì các trường phổ thông phải hướng dẫn cụ thể để các em không phải mắc phải những lỗi không đáng có.
Theo GDTĐ