Tại hội nghị “Công tác tuyển sinh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022”, do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, dù gặp khó khăn về dịch bệnh nhưng các địa phương, các trường đã đổi mới phương thức tuyển sinh và đào tạo nhằm thu hút học sinh sinh viên học nghề.
Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính đến đầu tháng 6.2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt khoảng 55% kế hoạch.
Để bảo đảm công tác tổ chức đào tạo, các trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp.
Theo báo cáo, đã có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu như tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm).
Phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng với ngưỡng đầu vào thấp, đặc biệt có những trường đại học lấy điểm đầu vào rất thấp, chỉ tương đương đầu vào cao đẳng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.
Trước thực trạng trên, TS Phạm Vũ Quốc Bình nhận định: Giai đoạn hiện nay, cả nước bước vào hồi phục kinh tế thì việc sống còn của hệ thống giáo dục nghề chính là công tác tuyển sinh. Hiện đã có những quy định mềm dẻo hơn về tuyển sinh. Các trường cũng đã có những biện pháp khác nhau để nâng cao công tác tuyển sinh.
Để làm được điều này, việc đầu tiên chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp liên quan đến ngành nghề, quy định quy chế chính sách hỗ trợ cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa trong công tác truyền thông.
“Hiện mới có dưới 10 sở, ngành ban hành được công tác truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp, chính vì vậy, các tỉnh thành cần phối hợp với các trường xây dựng chương trình cho THPT, THCS thông qua các kênh truyền thông độc đáo như tiktok, facebook…, ngày hội tuyển sinh nhằm thu hút học sinh học nghề”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, song song với tuyển sinh thì cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo một cách đồng bộ từ hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên… Từ đó, tạo thuận lợi trong quảng bá, tuyên truyền đến người dân, giúp người dân có cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp.
Theo Báo Lao Động