Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp đặc biệt nhất

0
1015

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã chính thức khép lại với gần 12.000 thí sinh của 38 tỉnh, thành phố tham gia đợt 2 vào ngày 6 và 7/8. Lần đầu tiên trong lịch sử thi tốt nghiệp từ trước đến nay, có đến hơn 15.000 thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.

Trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức vào ngày 7 và 8/7, hơn 980.000 thí sinh đã tham dự. Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021, kỳ thi có 3 mục tiêu chính: Đánh giá kết quả dạy và học chương trình giáo dục phổ thông; xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.

Chênh lệch điểm ở các địa phương

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp với nhiều diễn biến khó lường, ngay trước kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đề thi thật sẽ dễ hơn đề thi minh họa đã được công bố. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài 3 môn Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ có điểm trung bình môn thi cao hơn năm 2020, tất cả các môn khác đều có điểm trung bình môn thi giảm nhẹ so với năm 2020.

Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp đặc biệt nhất - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 tại TP.HCM (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Dù điểm thi đợt 2 đến gần cuối tháng 8/2021 mới công bố nhưng kết quả thi đợt này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thống kê chung do số lượng thí sinh ít (chỉ chiếm 1,2% tổng số thí sinh dự thi), có chăng chỉ là tăng thêm số lượng thí sinh đạt điểm 10 ở các môn thi. Chỉ tính riêng trong kỳ thi đợt 1 năm 2021, tổng cộng đã có 24.555 điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT, nhiều gấp 4 lần so với năm 2020 (5.965); riêng môn Giáo dục công dân có đến 18.680 điểm 10 (chiếm hơn 76% tổng số).

Môn Lịch sử năm 2020 lần đầu tiên vượt mức trung bình, năm nay trở lại vị trí dưới trung bình vốn có và cũng là vị trí “đội sổ”. Môn ngoại ngữ (chủ yếu là Tiếng Anh) lần đầu tiên sau rất nhiều năm đã có điểm trung bình môn thi vượt hơn 5, song các tỉnh miền núi, biên giới vẫn có điểm trung bình thấp nhất. Chênh lệch điểm trung bình môn ngoại ngữ giữa địa phương có kết quả cao nhất (TP.HCM: 7,23 điểm) với địa phương có kết quả thấp nhất (Hà Giang: 4,16 điểm) lên đến 3,07 điểm, cho thấy việc nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông còn là một thách thức rất lớn với ngành giáo dục.

Độ vênh giữa kết quả thi tốt nghiệp với điểm trung bình lớp 12 vẫn cho thấy có sự chênh lệch khá cao ở nhiều địa phương. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về nâng cao mức độ trung thực và chuẩn hóa trong đánh giá kết quả học tập lớp 12 của học sinh cũng như sử dụng kết quả này trong xét tuyển đại học.

Tỉ lệ tốt nghiệp vẫn rất cao

Học sinh sẽ được tốt nghiệp nếu có điểm xét tốt nghiệp không dưới 5 và không có môn thi nào bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Tổng số điểm liệt ở các môn năm 2021 là 1.280, xấp xỉ năm 2020 (1.262) nhưng giảm mạnh so với năm 2019 (3.117). Thêm một điều ngạc nhiên nữa là môn lịch sử lại chiếm gần phân nửa số điểm liệt năm 2021 với 540 điểm liệt.

Với tình hình điểm trung bình lớp 12 vẫn được cho “rộng rãi” và điểm trung bình các môn thi đều cao, năm 2021, tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước và từng địa phương sẽ được quyết định bởi điểm liệt nhiều hay ít.

Đến thời điểm này, hàng loạt địa phương đã công bố tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT cao hơn 99% (Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng…). Tỉnh Hà Giang có tỉ lệ tốt nghiệp thuộc loại thấp, 93,22% nhưng cũng cao hơn 5% so với năm 2020. Như vậy, dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp cả nước ở năm 2021 sẽ không thấp hơn năm 2020 (98,34%).

Điểm trúng tuyển đại học sẽ tăng

Sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường đại học vẫn là lựa chọn quan trọng hàng đầu của học sinh lớp 12. Có đến gần 75% học sinh dự thi (hơn 750.000 em) đã đăng ký sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường đại học.

Năm 2021, các trường vẫn chủ yếu xét tuyển theo tổ hợp các môn thi và phần lớn thí sinh (khoảng 90%) cũng đăng ký xét tuyển theo tổ hợp các môn của các khối thi truyền thống. Do điểm trung bình môn thi năm 2021 xấp xỉ năm 2020 nên điểm trung bình các tổ hợp môn xét tuyển năm 2021 cũng xấp xỉ năm 2020.

Các tổ hợp môn khối D01, A01 (có môn Tiếng Anh) có điểm trung bình tổ hợp môn tăng khoảng 1 điểm so với năm 2020. Trong khi đó, các tổ hợp môn còn lại A00, B00, C00 có điểm trung bình tổ hợp giảm nhẹ, do đó thí sinh e ngại có bất công nếu điểm chuẩn xét tuyển của các tổ hợp môn xét tuyển bằng nhau.

Thật ra, tác động theo hướng tăng điểm chuẩn, nếu có, sẽ do việc nhiều trường đã giảm tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp khá nhiều (do phần lớn các trường dành nhiều chỉ tiêu hơn cho xét tuyển từ học bạ THPT và các phương thức khác trước tình hình kỳ thi tốt nghiệp THPT không ổn định). Dự đoán tuy mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển có thể vẫn ở mức 14-15 điểm như phần lớn các trường đại học ở năm 2020 nhưng điểm chuẩn trúng tuyển sẽ tăng ở tất cả các tổ hợp môn xét tuyển từ 1-3 điểm.