Nơi trực tuyến, nơi trực tiếp, kiểm tra học kỳ 1 ra sao?

0
889

Các trường phổ thông sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 thế nào khi có trường học trực tuyến, trường học trực tiếp và cũng có trường kết hợp cả hai hình thức học tập này?

Nơi trực tuyến, nơi trực tiếp, kiểm tra học kỳ 1 ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè, TP.HCM) trong giờ học sau kỳ nghỉ dài tránh dịch COVID-19 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM tâm sự: “Mấy hôm nay, phụ huynh và giáo viên liên tục hỏi tôi về kiểm tra cuối học kỳ 1 cho học sinh lớp 1, lớp 2.

Họ băn khoăn và lo lắng khi đọc văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT yêu cầu cho học sinh lớp 1, 2 đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp. Trong khi đó, ở TP.HCM từ đầu năm học đến nay các em phải ở nhà học trực tuyến để phòng tránh dịch bệnh…”.

Học tới đâu kiểm tra tới đó

Trong khi đó, tình hình ở các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM hiện khá khả quan khi học sinh lớp 9, lớp 12 đã đi học trực tiếp được ba buổi.

“Trường chúng tôi thuộc vùng xanh nên bố trí giảng dạy trực tiếp 28 tiết/tuần cho học sinh lớp 9. Trong hai tuần đầu học sinh đi học lại, giáo viên sẽ hệ thống, củng cố kiến thức trong thời gian các em học trực tuyến, sau đó mới tiến hành dạy kiến thức mới.

Nhà trường dự kiến sẽ cho học sinh làm bài kiểm tra cuối học kỳ trực tiếp tại trường ở tất cả các môn vào giữa tháng 1-2022. Trước khi kiểm tra, học sinh sẽ có 1 tuần để ôn tập bài” – cô Bùi Thị Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, thông tin.

Cô Minh Tâm cũng nói thêm: “Được đi học trực tiếp, học sinh rất phấn khởi. Không những thế, đa số các phụ huynh cũng đồng thuận về hình thức tổ chức kiểm tra trực tiếp vì cho rằng kiểm tra trực tiếp sẽ khách quan hơn, thực chất hơn.

Vả lại, đề kiểm tra cuối học kỳ là do các trường tự biên soạn, dạy đến đâu thì kiểm tra đến đó nên cũng nhẹ nhàng”. Em Châu Kiệt, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), cũng bày tỏ: “Kiểm tra trực tiếp là điều cần thiết đối với học sinh cuối cấp.

Vì đây được xem như những đợt tập dượt để học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT. Nếu kiểm tra trực tuyến, em nghĩ là rất khó có kết quả chính xác”.

Ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Sở GD-ĐT TP đã có văn bản hướng dẫn các trường THCS, THPT về việc kiểm tra cuối học kỳ 1.

Trong đó, thời gian kiểm tra sẽ trễ hơn so với dự kiến vài tuần để các trường có thời gian rà soát lại tình hình học trực tuyến, ôn tập, củng cố kiến thức, phụ đạo cho học sinh… Quan điểm của sở là học sinh học tới đâu thì kiểm tra tới đó.

Khi học trực tuyến học sinh học ở mức độ nào thì đề kiểm tra sẽ ra theo mức độ ấy. Sẽ không có chuyện học trực tuyến chỉ ở mức độ cơ bản, còn đề kiểm tra trực tiếp sẽ khó hơn, cao hơn, sâu hơn… như một số phụ huynh lo lắng”.

Tùy điều kiện dạy học của địa phương

Ngày 15-12, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng khẳng định tùy theo điều kiện dạy học hiện nay của các địa phương có thể lựa chọn hình thức kiểm tra định kỳ trực tuyến hoặc trực tiếp. “Ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh theo hình thức trực tuyến.

Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập thì các trường khẩn trương ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trực tiếp” – ông Độ khẳng định.

Về văn bản hướng dẫn đánh giá với học sinh tiểu học mới ban hành, trong đó quy định học sinh lớp 1, 2 đến trường làm bài kiểm tra định kỳ, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 đang học qua truyền hình, quá trình học tập của các em thiếu sự tương tác và nhà trường cùng các thầy cô chưa có đánh giá chính xác việc các em thu nhận được kiến thức tới đâu.

Vì vậy, trong điều kiện cho phép, cần tạo điều kiện tối đa để học sinh được tới trường củng cố kiến thức và được hướng dẫn thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.

Với lớp 3, 4 và 5, học sinh cơ bản đã có ý thức và kỹ năng học tập, kỹ năng làm bài định kỳ theo đặc trưng của từng môn học trong quá trình học từ các năm trước.

Tuy nhiên, ông Độ cũng cho biết nếu không thực hiện được giải pháp tốt hơn là “đến trường làm bài kiểm tra định kỳ” do dịch COVID-19 phức tạp thì các trường chủ động xây dựng phương án kiểm tra trực tuyến đảm bảo khách quan.

Đổi mới nội dung kiểm tra

Đổi mới kiểm tra, đánh giá là định hướng chung cho các cấp học phổ thông đã thể hiện trong nhiều văn bản quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, đánh giá thường xuyên cho phép giáo viên linh hoạt áp dụng đa dạng hình thức.

Tuy nhiên, việc đổi mới tư duy, năng lực ra đề kiểm tra định kỳ theo đúng ma trận Bộ GD-ĐT quy định đang là khó khăn.

“Việc khó nhất khi phải thay đổi để có thể kiểm tra trực tuyến, đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh chưa phải là giải pháp kỹ thuật để giám sát mà là nội dung đề thi”, một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), bài kiểm tra định kỳ phải đảm bảo đánh giá năng lực học sinh thể hiện ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao sau một quá trình học nào đó.

Trong trường hợp học sinh phải làm bài kiểm tra trực tuyến, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để giám sát, việc đổi mới nội dung đề kiểm tra cần được chú trọng.

“Với các câu hỏi đúng mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, học sinh không nắm vững kiến thức thì có tra Google hay giở tài liệu cũng không làm được.

Đây cũng là yêu cầu đánh giá mà Bộ GD-ĐT đặt ra cả trong tình huống học sinh đã trở lại trường làm bài kiểm tra trực tiếp, đặc biệt là khi thực hiện chương trình phổ thông 2018 với nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau” – ông Thành nói.

Lớp 1, 2 “không thể đến trường là kiểm tra ngay”

“Văn bản hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ 1 của Bộ GD-ĐT yêu cầu cho học sinh lớp 1, 2 đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp nhưng có tính đến tình hình dịch bệnh ở các địa phương.

Vì vậy, các phụ huynh ở TP.HCM hãy yên tâm. Sở GD-ĐT TP sẽ cân nhắc để có phương án phù hợp.

Trong đó, có thể dời lịch kiểm tra trễ hơn so với dự kiến từ đầu năm học, làm sao để học sinh có thể đến trường đi học trực tiếp một thời gian rồi mới kiểm tra chứ không thể đến trường là kiểm tra ngay, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh tiểu học”. (một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM)

Không gây căng thẳng cho học sinh

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, sở sẽ yêu cầu các trường thăm dò ý kiến phụ huynh về việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1. Nhưng về cơ bản, học sinh đang học trực tiếp sẽ được tổ chức ôn tập kiểm tra trực tiếp, đang học trực tuyến sẽ ôn tập để kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

“Với học sinh tiểu học, sở sẽ có hướng dẫn để các trường kết hợp với cha mẹ học sinh có hình thức kiểm tra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không gây căng thẳng cho học sinh” – lãnh đạo này cho biết.

Theo Báo Tuổi Trẻ