Toàn bộ những trường ĐH trong nhóm GX sẽ tập trung lại để thống nhất phương án tuyển sinh năm 2017.
Bộ GD-ĐT vừa công bố Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Một trong những điểm đáng chú ý là năm nay, Bộ GD-ĐT không bỏ điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ. Mặt khác, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm năm 2017, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, với quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường tuyển sinh theo nhóm (GX) phải cân nhắc phương án tuyển sinh cho phù hợp. Bởi vì năm nay, Bộ đưa ra quy định không hạn chế thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, không hạn chế số trường và tất cả đều được ưu tiên xét tuyển từ trên xuống dưới.
Hiện nhóm GX đang băn khoăn là với quy định trên thì khả năng lọc thí sinh “ảo” sẽ như thế nào. Dự kiến, toàn bộ những trường ĐH trong nhóm GX sẽ tập trung lại để thống nhất phương án tuyển sinh. Nếu nhóm có tái lập thì vẫn phải có đề án tuyển sinh riêng. Trước khi đưa ra phương án tuyển sinh cho năm 2017, nhóm GX vẫn sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển.
Là thành viên trong nhóm GX, GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi đồng ý với quy định của Bộ GD-ĐT là cho thí sinh được thoải mái lựa chọn nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH.
Để khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”, Bộ sẽ hỗ trợ phần mềm tuyển sinh và yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường trước khi thi nên các trường có thể sàng lọc, biết được thí sinh nào có thể học hay không học ở trường mình.
Điểm sàn không còn quan trọng đối với nhiều thí sinh
Một trong những điểm đáng chú ý của năm 2017 là Bộ GD-ĐT vẫn không bỏ mức điểm sàn khi xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Thực tế là nhiều trường ĐH, CĐ đã có mở rộng tuyển chọn thí sinh bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng vẫn không tuyển sinh được.
Từ nhiều năm nay, các trường ĐH tốp trên chưa bao giờ lấy thí sinh có mức điểm sàn trở xuống nên các trường ĐH tốp giữa, tốp dưới không phải lo lắng là không tuyển được thí sinh.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Kim, hiện nay, học sinh đang có ý thức hơn về việc vào ĐH là ra trường phải xin được việc làm. Xu hướng chọn lựa trường ĐH của các em là trường nào có uy tín, đào tạo tốt và đảm bảo được chất lượng sinh viên tốt nghiệp có thể xin được việc làm.
Trong mùa tuyển sinh năm 2017, các trường ĐH, CĐ cũng phải cân nhắc tới số lượng thí sinh và uy tín đào tạo của nhà trường. Trường nào đào tạo được nguồn tuyển sinh “đầu ra” tốt thì sẽ tuyển sinh được nhiều thí sinh.
Về vấn đề xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng “đầu vào” ĐH, ông Trần Văn Tớp nêu quan điểm, các trường ĐH, CĐ có thể đưa ra ngưỡng, mức xét tuyển vào trường khác nhau nhưng phải có trách nhiệm đưa ra mức điểm tuyển đảm bảo chất lượng, uy tín đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội.
Từ nhiều năm nay, nhiều thí sinh có điểm thi cao hơn mức điểm sàn đã không đăng ký xét tuyển vào bất kỳ trường ĐH, CĐ nào. Điều này cho thấy, trong suy nghĩ của các em có sự thay đổi là không nhất thiết vào được ĐH mới là con đường duy nhất để lập nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất đối với nhiều thí sinh là được vào học ngành nghề, trường học yêu thích và sau khi tốt nghiệp có thể xin được việc làm./.
Theo VOH