Thời điểm chín muồi để đi học lại

0
892

‘Tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi để cho trẻ đi học lại, sau nhiều tháng các em phải ở nhà học online’. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong cuộc trao đổi đầu năm mới với Tuổi Trẻ.

Trước Tết, học sinh khối lớp 7 đến lớp 12 tại TP.HCM đã trở lại trường an toàn. Ngay sau Tết, học sinh các khối còn lại sẽ học trực tiếp tại trường. Trong ảnh: Học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TP.HCM) đang học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch COVID-19 – Ảnh: NHƯ HÙNG

* Căn cứ vào đâu để nói là “chín muồi để đi học lại”, thưa ông?

– Căn cứ đầu tiên là tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã và đang được kiểm soát tốt, 5 tuần liên tiếp gần đây thành phố đều được xác định là vùng dịch mức độ 1.

Hiện gần như toàn bộ người dân TP.HCM từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19, thậm chí nhiều người đã tiêm mũi 3.

Tuy nhiên, vấn đề bức thiết hơn cả chính là thực trạng học sinh học trực tuyến trong thời gian dài đã phát sinh các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong đó, những nguy cơ như thừa cân, béo phì do hạn chế vận động; nguy cơ bị tật khúc xạ, ù tai… do thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử, đeo tai nghe.

Các nhà tâm lý còn cảnh báo trẻ có thể bị “hội chứng trong phòng kín” khi phải ở trong nhà quá lâu: nghiện game, nghiện máy tính, không muốn đi ra ngoài, không muốn tiếp xúc, trao đổi với mọi người xung quanh…

Đó là chưa kể khi tất cả trẻ em và học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học và lớp 6 chưa đến trường học tập trực tiếp (trừ học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã đi học từ cuối năm 2021) sẽ khiến một lực lượng lớn lao động là phụ huynh cũng chưa thể tham gia lao động trực tiếp do phải ở nhà chăm trẻ.

Hơn thế nữa, năm học 2021 – 2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1, 2 và lớp 6.

Vì vậy, việc kéo dài thời gian học trên Internet của học sinh các lớp này gây khó khăn không chỉ cho giáo viên, học sinh, phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng nội dung chương trình.

* Ông lo lắng nhất điều gì khi cho trẻ đi học lại?

– Ngành GD-ĐT TP đã chuẩn bị tất cả những điều kiện cần thiết để đón trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 quay lại trường học.

Về cơ sở vật chất, hiện tất cả các trường được trưng dụng làm công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được bàn giao lại cho ngành GD-ĐT và sửa chữa, tu bổ, sẵn sàng đón học sinh.

Về đội ngũ, các cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT TP đang rất chủ động và tự tin thực hiện chương trình.

Ngoài ra, đợt cho trẻ đi học lại lần này cũng có nhiều thuận lợi, đáng kể nhất là chúng tôi đã có kinh nghiệm từ đợt cho học sinh lớp 7 đến lớp 12 đi học lại từ trước.

Thế nên, các phương án về phòng chống dịch bệnh trong môi trường học đường đã được triển khai rất chặt chẽ.

Điều khiến tôi lo lắng hơn cả chính là động lực học tập của các em học sinh. Sau một thời gian dài ở nhà học từ xa, sẽ có những học sinh bị hổng kiến thức và rất có thể các em sẽ mất tự tin khi đi học lại.

Nếu học sinh không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của giáo viên thì dần dần các em sẽ bị mất căn bản và chán học, bỏ học. Sở GD-ĐT TP đã có văn bản giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường phổ thông.

Tùy tình hình thực tế, trình độ học sinh, các trường sẽ xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp chứ không được nóng vội thực hiện chương trình. Nếu học sinh còn yếu thì các trường có thể kéo dài thời gian củng cố, ôn tập kiến thức cho các em.

Thời gian kết thúc năm học cũng có thể muộn hơn từ 1-2 tuần so với kế hoạch đầu năm học, chứ không nhất thiết phải theo đúng tiến độ của thành phố.

* Nhiều phụ huynh băn khoăn về vấn đề kiểm tra cuối học kỳ 1 đối với học sinh lớp 1, 2, 6: các em phải học trực tuyến trong suốt một học kỳ, có em còn chưa từng đặt chân đến trường tiểu học, THCS nhưng nay đi học thì phải làm bài kiểm tra trực tiếp?

– Thực tế không phải khi học sinh đến trường là làm bài kiểm tra ngay. Các em sẽ có ít nhất 2 tuần để làm quen với bạn bè, thầy cô giáo, trường lớp cũng như được các giáo viên hướng dẫn, ôn tập, phụ đạo phần kiến thức đã học trong thời gian qua, sau đó mới là kỳ kiểm tra.

Đề kiểm tra cũng sẽ bám sát tiến trình học tập của học sinh, tức là học sinh học cơ bản thì đề kiểm tra cũng ra theo hướng cơ bản chứ không nâng cao, đào sâu hay mở rộng.

Đi học trực tiếp: tự nguyện, không bắt buộc

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố kế hoạch chi tiết việc cho học sinh tiểu học đi học lại sau Tết Nguyên đán. Theo đó, học sinh tiểu học TP.HCM sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Đối với các học sinh đi học trực tiếp: giáo viên tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm và có giải pháp củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh chưa học trực tuyến hoặc có học trực tuyến nhưng không đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Đối với các học sinh chưa đi học trực tiếp: sẽ tiếp tục học từ xa, hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết những cơ sở giáo dục thuộc vùng dịch cấp độ 1 có thể tổ chức dạy học hai buổi/ngày hoặc bán trú từ ngày 14-2 cho tất cả các khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản cho phép học sinh tiểu học đi học lại từ ngày 14-2.

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Nhà trường và phụ huynh phối hợp chặt chẽ

Có một thực tế là ý thức và kỹ năng phòng chống dịch của học sinh mầm non đến lớp 6 không cao bằng học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.

Để khắc phục vấn đề này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn rất cụ thể trong việc tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường cũng như công tác tuyên truyền, họp phụ huynh về cách phòng chống dịch bệnh.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp phải nắm thật kỹ lịch trình đi lại trong dịp Tết cũng như sức khỏe của học sinh, trước khi chính thức đón các em quay lại trường học.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh là công tác rất quan trọng. Nếu thấy sức khỏe trẻ có vấn đề bất thường thì tốt nhất phụ huynh nên cho bé ở nhà chứ không nên cho đi học.

Đà Nẵng: Dạy song song trực tiếp – trực tuyến

6-2- HOC SINH SINH VIEN DA NANG HOC TRUC TIEP SAU TET-A1 3(Read-Only)

Học sinh THPT ở Đà Nẵng trở lại trường từ tháng 11-2021 – Ảnh: Đ.NHẠN

Bà Lê Thị Bích Thuận, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết từ ngày 7-2 học sinh, học viên từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường, trung tâm tại TP Đà Nẵng quay lại học trực tiếp.

Sở này cũng lưu ý chỉ những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 1 – 2 mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 3 – 4 tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến.

“Các cơ sở giáo dục căn cứ vào sự thay đổi cấp độ dịch tại địa bàn và tình hình cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên để chủ động quyết định thay đổi hình thức tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến phù hợp” – bà Thuận cho hay.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu các trung tâm, công ty, tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoại khóa, tư vấn du học… chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Công tác chuẩn bị từ ngày 14-2.

Đối với trẻ mầm non và học sinh lớp 1 đến lớp 6, căn cứ hướng dẫn của các cấp và tình hình thực tế sẽ có thông báo sau.

Trong khi đó, nhiều trường đại học cũng lên kế hoạch đón sinh viên trở lại trường vào đầu năm mới.

Sau Tết Nguyên đán, sinh viên các trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng có một tuần học trực tuyến để ổn định chỗ ở khi trở lại TP Đà Nẵng, thực hiện tiêm bổ sung vắc xin hoặc cách ly (nếu có).

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đề nghị sinh viên trở lại trường từ ngày 7-2 đến 13-2 để chủ động lịch tiêm vắc xin mũi thứ 3, nếu thành phố có thông báo lịch tiêm. Tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sinh viên sẽ tiếp tục học trực tuyến.

Nhà trường sẽ triển khai học trực tiếp các học phần lý thuyết từ ngày 14-2 tại trường cho các sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sau 14 ngày.

Đối với sinh viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, Trường ĐH Bách khoa sẽ tổ chức cho sinh viên đăng ký và phối hợp với cơ quan y tế thành phố Đà Nẵng để tổ chức tiêm.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức học trực tiếp từ ngày 21-2 trở đi.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sinh viên khóa tuyển sinh năm 2021 của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tiếp tục học trực tuyến thêm 2 tuần và thi kết thúc học phần kỳ 1 năm học 2021 – 2022 theo hình thức trực tuyến. Sinh viên năm thứ hai trở đi có thêm một tuần học trực tuyến trước khi quay trở lại trường học tập trung.

Theo Báo Tuổi Trẻ