Tại kỳ họp thứ 7 khóa X sáng 11-10, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua mức học phí năm học 2022-2023 của các cấp học.
Cụ thể tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua tờ trình xem xét mức học phí với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP. Trong đó, thống nhất tăng học phí THCS nhóm 1 từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng, các cấp học khác tăng 70.000 – 180.000 đồng tùy khu vực (trừ cấp tiểu học và nhà trẻ, mẫu giáo nhóm 2).
Mức thu học phí năm học 2022 – 2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên cụ thể như sau:
Nhóm 1 bao gồm học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 bao gồm học sinh học tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại điểm này không phải là mức thu thực tế cho phép thu, chỉ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Ngoài ra, HĐND TP.HCM cũng đồng ý với đề xuất của UBND về mức hỗ trợ học phí áp dụng từ đầu năm học 2022 – 2023. Theo đó thành phố sẽ chi ngân sách cấp bù học phí để mức thực đóng của phụ huynh năm nay không tăng so với năm ngoái.
Tổng kinh phí dự trù để thực hiện chính sách hỗ trợ học phí nói trên là 1.541 tỉ đồng, trong đó 1.245 tỉ đồng hỗ trợ học phí học sinh công lập và 296 tỉ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh các trường ngoài công lập.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, việc đề xuất tăng học phí sau 2 năm diễn ra dịch bệnh là vấn đề hết sức nhạy cảm. Tuy nhiên khung học phí năm học 2022 – 2023 theo nghị định số 81 của Chính phủ hiện tại quy định mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 – 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với tất cả các bậc học.
Đồng thời, mức học phí dự kiến hạn chế thấp nhất mức chênh lệch tăng tuyệt đối so với mức thu của năm học 2021 – 2022.
So sánh chênh lệch của khung mức thu 2022 – 2023 đề xuất so với mức thu trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra cũng góp phần vào ngân sách nhà nước, nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh.
Bên cạnh đó còn có tác động đến điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt tính công bằng trong hệ thống giáo dục. Việc phát sinh chênh lệch mức thu học phí giữa các địa bàn quận nội thành và các huyện nội thành do mức thu các năm trước đây TP.HCM luôn duy trì mức thu học phí thấp và không tăng trong suốt 6 năm nay.
Tại kỳ họp lần này, HĐND đã biểu quyết thông qua 10 tờ trình của UBND TP.HCM. Trong đó, bên cạnh nội dung nêu trên, HĐND còn thông qua các tờ trình về các nội dung:
– Chủ trương sử dụng nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện Hóc Môn.
– Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách TP năm 2022.
– Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân.
– Điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương.
– Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
– Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
– Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Cá Cháy, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.
– Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương của TP.
Theo Báo Tuổi Trẻ