Trúng tuyển nhưng không nhập học: thí sinh đi đâu?

0
2221

Đến thời điểm này có hơn 100.000 thí sinh đã trúng tuyển nhưng chưa làm thủ tục nhập học đợt 1, đặc biệt có cả thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Điều gì đã xảy ra và thí sinh đi đâu?

Đại diện Bộ GD-ĐT và các chuyên gia cùng tìm câu trả lời và chia sẻ quan điểm với PV

PGS.TS Cao Quốc An (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam):

Không mặn mà 
vì trúng tuyển 
ở nguyện vọng… quá xa

Đến thời điểm này, mới vừa kết thúc xét tuyển đợt 1 nên cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá toàn diện và trả lời chính xác câu hỏi “thí sinh đi đâu?”.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến nguyên tắc xét tuyển năm nay: cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, nên dễ xảy ra tình huống nhiều thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng có thứ tự xa so với nguyện vọng đầu.

Do đó ngành trúng tuyển chỉ là nguyện vọng vừa vặn với mức điểm của thí sinh, chứ không phải là ngành nghề mà các em yêu thích. Vì vậy nếu trúng tuyển ở những nguyện vọng này, nhiều khả năng các em không nhập học vì không có sở thích, đam mê.

Chuyên gia tuyển sinh tại một trường ĐH phía Bắc:

“Lỗi” do cách xét tuyển

Với quy định cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thì tất yếu sẽ có thí sinh thay đổi nguyện vọng phù hợp với mức điểm, chứ không còn theo đuổi ngành yêu thích. Vì vậy dù trúng tuyển nguyện vọng 1, nhưng cuối cùng thí sinh cũng không nhập học.

Tuyển sinh năm tới, muốn tránh những hệ lụy năm nay thì chỉ nên tiến hành những điều chỉnh kỹ thuật nhẹ nhàng như giới hạn tối đa 5-6 nguyện vọng/thí sinh, không làm tròn điểm, cải tiến việc thiết kế đề thi để đề phân hóa rõ hơn…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT 
Bùi Văn Ga:

Các trường cần 
nhận diện lại chính mình để đổi mới

Tính đến 18h ngày 9-8 đã có 251.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học. Trong đó 50 trường tuyển đủ 100% chỉ tiêu, 51 trường từ 90% đến cận 100%, 43 trường từ 70% đến cận 90%, 33 trường từ 50% đến cận 70%, 32 trường từ 30% đến cận 50%.

Với cách xét tuyển năm nay, thí sinh có cơ hội trúng tuyển ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất phù hợp với mức điểm các em đạt được. Như vậy, nếu không nhập học thì chỉ có thể là ngành đó chưa đủ hấp dẫn với thí sinh.

Ngoài ra, nhiều thí sinh còn đăng ký xét tuyển theo học bạ, hoặc chọn lựa những con đường khác như du học hay đi học nghề…

Ở đây, phải thấy rõ rằng thương hiệu, sức hấp dẫn của nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân thí sinh.

Đây chính là cơ hội để các trường nhận diện lại mình, tăng cường xây dựng, tuyên truyền hình ảnh, thương hiệu nhà trường thông qua việc đổi mới đào tạo, nâng chất lượng nhằm nâng cao tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, gia tăng sức hút đối với người học.

TTO