Tuyển sinh đại học 2022: Trường mở ngành mới, thí sinh thêm cơ hội

0
870
Năm nay, nhiều trường đại học có xu hướng mở thêm các ngành/chương trình đào tạo mới, hứa hẹn đón đầu nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc mở ngành mới sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh nhưng cần có sự tính toán, khảo sát về cơ hội việc làm để chấm dứt nỗi ám ảnh “cử nhân thất nghiệp”.
Tuyển sinh đại học 2022: Trường mở ngành mới, thí sinh thêm cơ hội
Việc các trường đại học mở thêm ngành học mới tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Ảnh: Thiều Trang

Các trường đại học “rầm rộ” mở thêm ngành học mới

Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân sự chất lượng cao, đáp ứng xu thế phát triển của lĩnh vực Công nghệ – Kỹ thuật bùng nổ như hiện nay, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai tuyển sinh 03 ngành đào tạo đại học kết hợp thạc sĩ gồm: Công nghệ thông tin ứng dụng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics, Công nghệ tài chính và Kinh doanh số.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết, 03 ngành học mới đều rất cần thiết cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong cách mạng công nghiệp 4.0. Với mô hình này, sinh viên có cơ hội đăng ký học thẳng lên bậc thạc sĩ và tích lũy các tín chỉ của bậc thạc sĩ ngay từ năm cuối đại học.

Điểm đặc biệt là các học phần có sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình đến tổ chức đào tạo, nên sinh viên có trải nghiệm thực tiễn tốt, có khả năng đáp ứng ngay với công việc.

Cùng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ có thêm chương trình cử nhân ngành Trí tuệ Nhân tạo. Trường Đại học Việt Nhật mở chương trình kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng và ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững. Khoa Các khoa học liên ngành có thêm khóa cử nhân Đô thị thông minh và bền vững, Quản lý giải trí và sự kiện.

Trường Đại học Thủy lợi năm nay cũng tuyển sinh 6 ngành học mới gồm: An ninh mạng, Tài chính – ngân hàng, Kiểm toán, Kinh tế số, Luật, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh.

TS Trần Khắc Thạc – Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi – cho biết, việc mở các ngành mới xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh và đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Nhà trường cũng hướng đến việc sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2022, Trường Đại học Công nghệ TPHCM mở tới 9 ngành mới thuộc các nhóm ngành Kinh tế – Quản trị (Kinh tế quốc tế, Tài chính quốc tế; Digital Marketing, Quản trị sự kiện); Sinh học – Môi trường – Nông lâm (Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường, Chăn nuôi) và Truyền thông – Nghệ thuật (Nghệ thuật số, Công nghệ điện ảnh, truyền hình).

Theo nhà trường, đây là các nhóm ngành đã được trường khẳng định thế mạnh đào tạo trong nhiều năm qua, đồng thời là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nổi bật trong nền kinh tế hội nhập.

Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương lần đầu tuyển sinh chương trình Marketing số ở trụ sở Hà Nội và chương trình Truyền thông Marketing tích hợp ở cơ sở TPHCM.

Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh thêm chương trình chất lượng cao Kinh doanh số thuộc nhóm ngành Kinh doanh quốc tế.

Cẩn trọng khi chọn ngành

Việc các trường “rầm rộ” mở thêm ngành học mới, theo các chuyên gia, nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các trường thì đó là dấu hiệu tốt, rộng mở tương lai của cử nhân. Tuy nhiên, chất lượng không tương xứng sẽ khiến người học quay lưng.

TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhận định, việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, hoặc nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Vì vậy, các trường cần mở ngành mới xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm.

Đồng thời khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động. Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực.

Về vấn đề chọn ngành nghề để theo học, TS Trần Khắc Thạc – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi lưu ý, tuần này, đề án tuyển sinh của các trường sẽ ổn định. Vì vậy, thí sinh cần bám sát thông báo tuyển sinh của các trường; theo dõi, tìm hiểu kỹ quy định của từng trường, cẩn trọng trong việc chọn ngành theo học.

TS Trần Khắc Thạc cũng đưa ra lời khuyên, khi đăng ký xét tuyển hay điều chỉnh nguyện vọng nên ưu tiên các nguyên vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh sớm, sơ tuyển của các trường ở vị trí cao để đảm bảo trúng tuyển vào ngành mình yêu thích.

Dành lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề, cụ thể là: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; Không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề; Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Theo đó, khi áp dụng các nguyên tắc này, thí sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em nên tìm hiểu thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.

Theo Báo Lao động