Một số trường tốp trên đã gọi trúng tuyển có tỷ lệ so với chỉ tiêu khá cao, khiến nhóm trường tốp dưới tuy có điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Thí sinh đi đâu?
Sau khi điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được công bố là 15,5, cao hơn những năm trước 0,5 điểm, các trường ĐH được trấn an với các thông tin lạc quan về nguồn tuyển thí sinh (TS) dồi dào và dự kiến mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ tăng lên rõ rệt hơn.
Các số liệu thống kê cho thấy với tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả điểm thi THPT quốc gia là 332.496 thì số TS có một tổ hợp điểm thi bất kỳ đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 535.708 (hệ số dôi dư so với chỉ tiêu là 1,61). Còn nếu tính trên nguyện vọng cao nhất của tổ hợp môn thi mà TS đã đăng ký có điểm đạt trên ngưỡng thì số lượng còn 424.105 TS, tuy tỷ lệ dôi dư có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao là 1,39. Số liệu công bố từ các nhóm lọc ảo phía bắc và phía nam cho thấy kết thúc đợt xét tuyển, 322 trường ĐH, CĐ đã gọi trúng tuyển 363.622 TS (vượt 3,25% tổng chỉ tiêu).
Tính đến 18 giờ 30 ngày 7.8, hầu hết các trường thuộc khối công an, quốc phòng đều đạt mức tỷ lệ nhập học 100% so với chỉ tiêu (và so với số lượng gọi trúng tuyển). Khối ngành y, dược, kinh tế của các trường ĐH công lập cũng đạt tỷ lệ cao. Các trường thành viên của 2 ĐH quốc gia có tỷ lệ nhập học cao, từ 80% đến xấp xỉ và có khi vượt 100% so với chỉ tiêu.
Tuy nhiên, các trường ĐH ngoài công lập và không ít trường ĐH công lập ở nhiều địa phương chỉ đạt tỷ lệ nhập học ở mức khá thấp, thậm chí rất thấp. Ngoài những trường đã thấy trước “hậu quả” do có số lượng TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển rất ít thì bất ngờ vẫn xảy ra với nhiều trường có số TS đăng ký xét tuyển rất cao, tỷ lệ gọi trúng tuyển so với chỉ tiêu cũng rất cao (từ 150 – 200%) nhưng tỷ lệ xác nhận nhập học lại rất thấp.
Chưa thật sự giảm ảo
Đến thời điểm kết thúc hạn nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào ngày 7.8, mới có khoảng 65% TS xác nhận nhập học (với 235.494 TS, chưa kể còn một số ít tiếp tục gửi xác nhận qua đường bưu điện). Như vậy, tuy mức độ ảo trong đợt xét tuyển đầu tiên có giảm trên quy mô chung từ khoảng 50% của năm 2016 xuống còn 35% năm 2017 nhưng vẫn ở mức khá cao so với mong muốn giảm ảo. Đặc biệt, tỷ lệ ảo này gần như được chuyển cho các trường tốp dưới.
Hiện tượng “dịch chuyển ảo” từ nhóm trường tốp trên sang nhóm tốp dưới và các trường địa phương có thể do nhiều nguyên nhân khác, nhưng xuất phát từ 2 nguyên nhân chủ yếu: do một số trường tốp trên đã gọi trúng tuyển có tỷ lệ so với chỉ tiêu khá cao và các trường tốp dưới chỉ tuyển được các TS có nguyện vọng xét tuyển với thứ tự ưu tiên xếp thấp phía dưới.
Trong tổng số 323 trường ĐH, CĐ (khối sư phạm), có 15 trường đã gọi trúng tuyển hơn 150%, có trường xấp xỉ 200% so với chỉ tiêu, cả 15 trường này đều là các trường ngoài công lập và trường ở địa phương. Nhiều trường trong số 15 trường này có khá đông TS đăng ký xét tuyển nhưng có lẽ đã “đánh hơi” được nguy cơ TS ảo nên đành chấp nhận gọi trúng tuyển với tỷ lệ gọi rất cao. Và như đã phân tích ở trên, tuy gọi cao như thế, nhưng cuối cùng nhiều trường trong số này vẫn không thoát được tỷ lệ TS ảo lớn.
Điều đáng nói, nhiều trường ĐH công lập vẫn gọi trúng tuyển với tỷ lệ dự phòng ở mức 110 – 120%. Đây chính là hiệu ứng dây chuyền đẩy tình trạng ảo từ nhóm trường tốp trên với điểm chuẩn trúng tuyển dù cao nhưng vẫn tuyển được đủ TS, sang nhóm trường tốp dưới tuy có điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Một cách ví von, nếu mỗi trường tốp trên “ngắt véo” vài phần trăm chỉ tiêu thì nhiều trường tốp dưới chỉ còn “da với xương”.
Hơn nữa, thống kê nguyện vọng xét tuyển cũng cho thấy phần lớn các TS đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH ngoài công lập bằng các nguyện vọng có thứ tự ưu tiên thấp. Do đó cần xem xét lại quy định các trường ĐH phải xét tuyển bình đẳng (không phân biệt thứ tự ưu tiên) các nguyện vọng xét tuyển mà TS đã đăng ký.
Hơn 100.000 TS không được trả lại lệ phí xét tuyển
Kỳ tuyển sinh 2017 có một số thay đổi điều chỉnh, trong đó có 2 thay đổi quan trọng nhất: Một là cho phép TS đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự thi và sau khi biết điểm thi TS lại có thể thay đổi, bổ sung nguyện vọng đã đăng ký. Hai là cho phép TS đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, khi xét tuyển thì các trường ĐH xét các nguyện vọng này bình đẳng như nhau và TS chỉ được xét trúng tuyển duy nhất ở nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất (chống trúng tuyển ảo).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay sau khi biết điểm thi, có đến 300.012 TS điều chỉnh bổ sung nguyện vọng. Con số này chiếm tỷ lệ 56% nếu so với số TS có ít nhất một tổ hợp môn trên điểm sàn nhưng đến hơn 70% so với số TS có nguyện vọng cao nhất của tổ hợp môn thi mà TS đã đăng ký. Như vậy, liệu có cần thiết cho TS đăng ký xét tuyển trước cùng với đăng ký dự thi hay không, khi mà sự thay đổi sau kỳ thi lại quá nhiều? Đó là chưa kể hơn 100.000 TS đã đóng lệ phí đăng ký xét tuyển nhưng sau khi công bố mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì không được hoàn lại tiền, dù không thể tiếp tục tham gia xét tuyển do có điểm thi dưới mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng.
TNO