Lên phương án dự phòng trong mọi khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022

0
942

– Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo ‘không để bị động trong mọi tình huống’, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần có phương án, kịch bản dự phòng trong mọi khâu tổ chức kỳ thi.

Lên phương án dự phòng trong mọi khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong ảnh: Giám thị kiểm tra thông tin của thí sinh trước khi vào phòng thi – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 20-5, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022 tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ – trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thống nhất nội dung, nhiệm vụ triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bao gồm: xây dựng kế hoạch tổng thể tổ chức kỳ thi, phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo và những công việc liên quan đến chuẩn bị, tổ chức kỳ thi.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được giữ ổn định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ như năm 2021. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng ban; các thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo làm phó trưởng ban; đại diện lãnh đạo vụ, cục liên quan thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ làm ủy viên; ủy viên thường trực là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021, với một số điều chỉnh về giải pháp kỹ thuật. Trong đó, điểm mới căn bản là tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến cho các học sinh lớp 12 năm học 2021 – 2022. Ngoài ra, có một số điều chỉnh kỹ thuật để bảo đảm thuận lợi trong tác nghiệp và an toàn hơn cho các khâu tổ chức kỳ thi.

Kỳ thi tiếp tục được thực hiện theo quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020, được sửa đổi, bổ sung tại thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12-3-2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo chung; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Thí sinh dự thi sẽ làm các bài thi trong 2 ngày 7 và 8-7-2022. Kết quả thi được công bố đồng thời vào ngày 24-7-2022. Công tác xét công nhận tốt nghiệp hoàn thành chậm nhất ngày 26-7-2022.

Tại cuộc họp, nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “không để bị động trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần có phương án, kịch bản dự phòng trong mọi khâu tổ chức kỳ thi.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân công nhằm tăng cường trách nhiệm của các địa phương với kỳ thi. Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đến một số yêu cầu như: công tác kiểm tra trước và trong kỳ thi; công tác ra đề, in sao, bảo mật đề thi; công tác phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tổ chức kỳ thi…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh một số nội dung cần thống nhất trong Ban Chỉ đạo. Theo đó, đầu tiên là nhận thức và quyết tâm cao trong tổ chức kỳ thi, cố gắng không để bất kỳ sơ suất nào xảy ra. Hoàn thiện các văn bản liên quan đến kỳ thi; phân công rõ người, rõ việc. Đặc biệt, chú trọng công tác nhân sự; nhân sự tham gia tổ chức thi phải tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực và phải được tập huấn.

Một số vấn đề khác cũng được Thứ trưởng lưu ý như công tác chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi; phần mềm; công tác ra đề thi; công tác thanh tra, kiểm tra… để kỳ thi tổ chức nghiêm túc, an toàn, chặt chẽ nhưng phải bảo đảm tính nhân văn.

Theo Báo Tuổi Trẻ