Điều chỉnh nguyện vọng từ 29/8 đến 17h ngày 5/9/2021 là khoảng “thời gian vàng” để cho các thí sinh cân nhắc lần cuối việc chọn lựa ngành học và trường cho mình.
Thận trọng với điểm sàn
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học lần lượt công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) để nhận hồ sơ xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tới hết ngày 28/8.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), hiện các trường ĐH công bố điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng rất khác nhau. Có trường công bố điểm sàn theo nhóm ngành nhưng cũng có trường đưa ra sàn chung cho tất cả các ngành.
“So sánh điểm sàn với điểm chuẩn mấy năm nay tôi nhận thấy điểm chuẩn thường cao hơn sàn từ 1-3 điểm ở các trường tốp trên còn nhóm các trường tốp dưới thì thường điểm chuẩn bằng sàn.
Chính vì vậy nếu căn cứ vào điểm sàn để đăng ký điều chỉnh nguyện vọng sẽ rất nguy hiểm. Thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn vài điểm thì khả năng trúng tuyển cũng không cao nếu đăng ký vào trường tốp trên, ngành hot.
Các em nên căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái khi đăng ký. Nếu điểm thi THPT của mình bằng hoặc hơn điểm chuẩn năm ngoái 1-2 điểm thì khả năng trúng tuyển sẽ cao” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Lưu ý TS khi đối diện với mức điểm sàn, ThS Nguyễn Thị Mến – Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho rằng, thí sinh quan tâm đến trường/ngành nào cần quan tâm theo dõi để cập nhật thông tin nhanh chóng và chính xác từ website chính thức của trường/ngành đó.
“Điều thí sinh cần làm hiện nay là đối chiếu và rà soát lại toàn bộ các NV đã đăng ký xét tuyển mà mình đã đăng ký trước đây và điểm thi tốt nghiệp THPT của mình với mức điểm sàn nhận hồ sơ tương ứng của trường/ngành mà mình quan tâm.
Nếu điểm thi của mình không đạt mức điểm sàn nhận hồ sơ, các bạn cần cân nhắc điều chỉnh sang nguyện vọng khác phù hợp hơn” – ThS Nguyễn Thị Mến lưu ý.
Tương tự, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho rằng do đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sát với nội dung được học, vừa tầm, nên phổ điểm thi của TS trung bình khoảng 6-8 điểm/môn, phổ điểm của tổ hợp 3 môn khoảng 18-20 điểm. Theo đó, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn với mức điểm có tăng nhẹ ở một số trường.
“Thí sinh tham gia xét tuyển ĐH cần nắm thông tin điểm sàn của các trường mình quan tâm, đăng ký xét tuyển và tìm hiểu thêm các thông tin khác như mức chênh lệch giữa điểm thi của bản thân với điểm sàn, phổ điểm thi năm nay của các TS đối với tổ hợp mình xét tuyển, số lượng TS đăng ký vào ngành mình chọn cũng như mức điểm của những TS này, điểm sàn – điểm chuẩn của trường học, ngành học mình quan tâm ở những năm trước…
Khi hệ thống các thông tin này lại, thí sinh sẽ có cơ sở để dự đoán khoảng an toàn cũng như khả năng trúng tuyển của bản thân và quyết định có thực hiện điều chỉnh NV hay không…” – ThS Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý.
Thí sinh nào nên điều chỉnh nguyện vọng?
Bàn về việc điều chỉnh nguyện vọng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng những TS đăng ký quá ít NV phải điều chỉnh lên 10-15 NV. Bên cạnh đó, những TS có điểm dưới sàn, hay điều chỉnh khi điểm thi tốt nghiệp THPT của mình thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái 1 điểm.
“Điểm cao 24-27 vẫn rớt nếu đăng ký ít NV vào các trường ĐH tốp trên. Các em nên tranh thủ điều chỉnh NV theo hướng: Trường khó, ngành khó đặt NV ưu tiên 1,2,3, các NV tiếp theo đăng ký các ngành hoặc trường dễ hơn, khoảng 15 NV là vừa” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyên các TS.
Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Thị Mến cho rằng TS cũng lưu ý rằng mức điểm sàn nhận hồ sơ có thể chênh lệch ít hoặc nhiều so với mức điểm trúng tuyển vào các trường, tùy theo số lượng và chất lượng hồ sơ thí sinh đăng ký. Các bạn có thể tham khảo mức điểm trúng tuyển vào trường/ ngành mà mình quan tâm trong khoảng 2-3 năm trở lại đây để hình dung khoảng cách an toàn so với điểm sàn.
“Nếu điểm thi của mình đạt mức điểm sàn nhận hồ sơ nhưng có khoảng cách an toàn thấp so với mức điểm trúng tuyển tham khảo hằng năm của trường/ngành đó, TS cũng nên cân nhắc bổ sung phương án NV dự phòng thêm.
Tương tự, đối với một ngành học, TS có thể liệt kê một danh sách trường đào tạo, với nhiều phân khúc điểm, học phí, chương trình, cơ sở vật chất khác nhau. Từ đó, các bạn có thể điều chỉnh NV tương ứng với những phân khúc phù hợp và có khả năng trúng tuyển cao ” – ThS Nguyễn Thị Mến lưu ý.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), khuyên TS nên chọn trường phù hợp với năng lực tài chính của gia đình chứ không phải chọn trường theo danh tiếng.
Chọn trường vì thực lực chứ không nên chọn trường cho bằng bạn bằng bè. Chọn ngành theo đam mê hoặc chọn ngành phù hợp với thực tế. Mong muốn điều gì ở bản thân sau tốt nghiệp ĐH (đi làm trong các doanh nghiệp, tiếp tục học lên cao, khởi nghiệp…)
Đồng thời, TS cần phải xem xét kỹ điều kiện xét tuyển của các trường, như sơ tuyển, ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu… để bảo đảm đủ điều kiện xét tuyển.
Bên cạnh đó cũng cần xem xét đến chỉ tiêu của từng ngành và số lượng hồ sơ nộp vào ngành đó trong đợt 1 để có những chiến thuật điều chỉnh NV thông minh.
Trường đại học là nơi quyết định giá trị hành nghề và thành công trong tương lai của sinh viên, vì vậy sự thận trọng tìm hiểu kỹ về các ngành, về trường sẽ giúp các em không rơi vào hoàn cảnh “mọi chuyện đã rồi”, hoặc phải bỏ học giữa chừng vì không phù hợp.
“Hiện nay, nhiều trường có phương án xét tuyển bằng phương án học bạ, xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực và có nhiều chính sách ưu đãi cho TS có thành tích học tập tốt hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, TS có thể tranh thủ cơ hội này để nắm chắc cơ hội học tập vào trường và ngành mình yêu thích” – PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh lưu ý thêm.