Nghị định của Chính phủ cũng đã quy định về các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề, nhưng đến nay các trường CĐ, TC vẫn đang bối rối vì chưa có hướng dẫn thực hiện trong khi mùa tuyển sinh sắp đến.
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực, nghị định của Chính phủ cũng đã quy định về các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề, nhưng đến nay các trường CĐ, TC vẫn đang bối rối vì chưa có hướng dẫn thực hiện trong khi mùa tuyển sinh sắp đến.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, băn khoăn: “Đối với các trường CĐ thuộc Bộ LĐ-TB-XH trước đây thì không có vấn đề gì phải thay đổi, nhưng đối với các trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT thì có rất nhiều bề bộn trong thời gian tới cần phải thực hiện sớm để ổn định. Chẳng hạn, Nghị định 143 của Chính phủ có quy định về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đăng ký lại hoạt động đào tạo với Bộ LĐ-TB-XH. Trong đó, các ngành nghề phải có giấy phép đào tạo nghề nghiệp. Hiện nay, Trường CĐ Bách Việt có 17 ngành nghề, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào nên trường cũng chưa làm hồ sơ để đăng ký lại. Liệu Bộ LĐ-TB-XH có cho phép đào tạo 17 ngành này hay không? Trong trường hợp tên ngành không trùng khớp với danh mục ngành nghề của Bộ thì thế nào? Chương trình đào tạo có phải xây dựng lại…? Thời gian rất gấp rút, nếu không làm ngay thì chúng tôi sợ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2017”.
Thạc sĩ Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Thực tế là chúng tôi mới chỉ biết các thông tin về việc chuyển đổi từ cơ quan quản lý này sang cơ quan quản lý khác thông qua báo chí, chứ chưa có một văn bản chính thức nào thông báo tới các trường. Rất nhiều cái khó phía trước: tiêu chuẩn, tiêu chí đào tạo thay đổi, việc tổ chức đăng ký hoạt động, tuyển sinh, xây dựng chương trình đều chưa biết sẽ ra sao”.
Trước giờ, chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT tổ chức theo tín chỉ, với khối lượng trên dưới 100 tín chỉ, trong khi đào tạo nghề theo mô-đun.
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt, cho rằng xây dựng chương trình theo hướng mô-đun rất nặng và phức tạp. Mô-đun là đơn vị học tập liên kết tất cả yếu tố của các môn học lý thuyết, các kỹ năng và kiến thức liên quan để tạo ra một năng lực chuyên môn, việc xây dựng sẽ đòi hỏi sự công phu và chi tiết.
Từ đó, ông Lê Lâm đề xuất Bộ LĐ-TB-XH nên để các trường CĐ khối chuyên nghiệp trước kia được giữ lại chương trình đào tạo theo hình thức tín chỉ. Tiến sĩ Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng Bộ LĐ-TB-XH chỉ cần đưa ra bộ tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho từng ngành nghề, còn việc xây dựng chương trình đào tạo như thế nào nên giao quyền tự chủ cho các trường, miễn sao đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề đó.
Trước những đề xuất này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: “Trước mắt, các trường cứ tiếp tục đào tạo những ngành nghề trước đây đã được Bộ GD-ĐT cho phép mà chưa cần phải đăng ký lại ngay. Công việc chuyển đổi sẽ làm từ từ để tránh việc xáo trộn. Về việc thiết kế chương trình, Thủ tướng đã phê duyệt khung trình độ quốc gia VN thì khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ CĐ là 60 tín chỉ. Như vậy, tùy theo từng ngành nghề đào tạo, các trường có thể xác định khối lượng học tập lớn hơn cho phù hợp để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về năng lực mà người học cần phải đạt được khi tốt nghiệp”.
Theo Thanhnien