Thí sinh TP HCM không muốn thi tốt nghiệp đợt 2 vì lo dịch

0
849

Nhiều thí sinh ở khu phong tỏa, cách ly tiếc công sức ôn bài, nhưng không muốn thi tốt nghiệp THPT đợt 2 bởi mỗi ngày TP HCM ghi nhận hàng nghìn ca Covid-19.

Nguyễn Uyên Như, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, vừa mừng, vừa tiếc nuối trước thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho hơn 3.200 thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Gia đình Như nằm trong khu phố bị phong tỏa vì Covid-19 từ cuối tháng 6 đến nay.

Ngoài thời gian ôn thi hàng ngày, nữ sinh cập nhật diễn biến dịch bệnh tại thành phố. Như cho rằng sẽ rất mạo hiểm nếu thí sinh TP HCM thi tốt nghiệp đợt 2 ngày 6-7/8 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Như hẻm em ở, khi gần dỡ phong tỏa thì lại phát hiện ca mới, phải kéo dài thời gian, đến nay chưa được ra ngoài. Thực sự bây giờ phải đến nơi đông người là không an toàn”, Như nói.

Năm nay, Như đặt nguyện vọng cao nhất vào Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế TP HCM, những trường top đầu dành tỷ trọng lớn cho việc xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. “Thực sự, em cũng như nhiều bạn muốn thi để kết thúc trọn vẹn 12 năm học phổ thông, có điểm xét tuyển đại học, nhưng cân nhắc giữa thi và an toàn thì em chọn an toàn”, Như nói.

Điểm thi tốt nghiệp THPT Lê Quý Đôn, nơi phát hiện thí sinh dương tính nCoV sáng ngày 7/7. Ảnh: Hữu Khoa.

Điểm thi tốt nghiệp THPT Lê Quý Đôn, nơi phát hiện thí sinh dương tính nCoV sáng 7/7. Ảnh: Hữu Khoa.

Giống Như, Phạm Huy Vinh, học sinh trường THCS – THPT Đào Duy Anh, mong được đặc cách tốt nghiệp. Nhà Vinh nằm trong khu phong tỏa ở quận Bình Tân từ cuối tháng 6 đến ngày 9/7. Cách ly tại nhà, Vinh liên tục cập nhật tin tức về kỳ thi đợt 1, giải tất cả đề thi như thí sinh thực thụ rồi tự chấm điểm theo đáp án. Phần lớn môn, em có thể đạt 6-7 điểm.

Năm nay, Vinh đăng ký ngành Thiết kế nội thất, Đại học Văn Lang cùng một số trường khác bằng phương thức xét điểm học bạ kết hợp thi năng khiếu. Không chịu áp lực phải có điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, nhưng với thí sinh này, lý do lớn nhất không muốn thi là dịch bệnh.

“Mỗi sáng, em đọc tin thấy thành phố lại thêm 1.000-2.000 ca, có ngày hơn 3.000, rất đáng sợ. Nếu bước vào phòng thi trong tâm trạng có thể bị lây nhiễm thì không thể làm bài tốt”, Vinh giải thích.

Nhiều thí sinh khác ở các khu phong tỏa hoặc trong diện cách ly tập trung cũng muốn kết thúc 12 năm học phổ thông bằng việc đặc cách tốt nghiệp. “Nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài thi đợt 2 thì em mong được đặc cách. Cũng khó có thi đợt 3, mà thực ra càng kéo dài việc ôn tập càng mệt mỏi. Các đại học top trên nên dành một số suất cho thí sinh đợt 2 bằng các phương thức khác hoặc tổ chức thêm các kỳ thi riêng”, một nam sinh diện F2 ở TP Thủ Đức nói.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, thành phố hiện có 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi đợt 2, phần lớn nằm trong diện F0-F1, nơi ở trong khu vực bị phong tỏa, không thể tham gia kỳ thi đợt 1 ngày 7-8/7 vừa qua.

Thí sinh được lấy mẫu xét nghiệm trước kỳ thi tốt nghiệp đợt 1 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Thí sinh được lấy mẫu xét nghiệm trước kỳ thi tốt nghiệp đợt 1 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hôm qua, trong tờ trình gửi UBND TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khó có thể thực hiện kỳ thi đợt 2 với yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nghiêm túc, khách quan, công bằng và tạo sự an tâm cho phụ huynh, thí sinh. Vì thế, Sở đề nghị UBND TP HCM xem xét, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách cho thí sinh. Việc này căn cứ Quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi đợt 2 có thể được đặc cách theo điều kiện “có việc đột xuất đặc biệt”.

Nhiều thầy cô, lãnh đạo các trường THPT đồng tình với đề xuất trên bởi tình hình dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam còn rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhiều so với thời điểm thi đợt 1. Lúc này, sự an toàn của thí sinh và giáo viên là trên hết.

TP HCM hiện có gần 44.000 ca nhiễm, đang trong thời gian cách ly xã hội cùng 18 tỉnh, thành phía Nam.